“Hầu hết lao động di cư khu vực phi chính thức tại Hà Nội chưa có bảo hiểm y tế”. Đây là thông tin được đưa ra trong Hội thảo “Giải pháp tiếp cận bảo hiểm y tế cho lao động di cư khu vực phi chính thức” diễn ra sáng nay (25/8), tại Hà Nội.

Theo BHXH quận Hoàn Kiếm, hiện trên địa bàn quận có 4 nghìn lao động di cư nhưng chỉ có 7 người tham gia bảo hiểm y tế. Kết quả khảo sát số lượng lao động di cư tại Hà Nội có thẻ bảo hiểm y tế  tỷ lệ rất thấp: 13% có thẻ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, 1,9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách, 17% có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.

lao_dong_di_cu_hmor.jpg
Lao động di cư mong muốn được hỗ trợ mua BHYT
Bà Nguyễn Thị Ngát, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định chia sẻ, để mua được thẻ Bảo hiểm y tế, lao động di cư phải có sổ tạm trú, tạm vắng…Nhiều người không được chủ nhà đăng ký tạm trú cũng như tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Bảo hiểm y tế có ý nghĩa quan trọng đối với lao động di cư. Bởi tỷ lệ lao động di cư chưa có thẻ bảo hiểm y tế cao cho thấy sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính và có thể mất khả năng lao động khi gặp tai nạn, rủi ro.

Lao động di cư đang phải sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, làm việc với cường độ vất vả nên có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh do tác động ô nhiễm môi trường, do làm việc quá sức, bệnh dịch…

Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều lao động di cư bán hàng rong và làm nghề thu mua đồng nát chưa có điều kiện mua bảo hiểm y tế. Bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cho rằng: “Hiện nay Hội phụ nữ cũng đang tuyên truyền, phối hợp với ngành công an để làm công tác rà soát, đề nghị đăng ký tạm trú cho các lao động di cư.

Hội cũng phối hợp với ngành bảo hiểm tuyên truyền, vận động người dân, hỗ trợ từng bước khó khăn để người lao động được tham gia mua bảo hiểm y tế. Các cấp hội tổ chức tập huấn, tuyên truyền, mời hội phụ nữ các phường, các đại lý bảo hiểm của phường tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế”./.