19h ngày 7/1, đội Thanh tra an toàn thuộc Cục quản lý đường bộ tuần tra kiểm soát trên đại lộ Thăng Long phát hiện 5 xe hổ vồ dừng ở làn khẩn cấp, đoạn qua địa phận xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội). Cả 5 xe thuộc Công ty vận tải Tuấn Anh đều có dấu hiệu quá khổ, quá tải.
Tài xế đoàn xe hổ vồ trên đại lộ Thăng Long không chấp hành sự kiểm tra quá tải của thanh tra tối 7/1 |
Một nhân chứng cho biết, khi lực lượng thanh tra yêu cầu xuất trình giấy tờ, các tài xế bất hợp tác, khóa cửa rồi rời đi. Khoảng một giờ sau, một người tự xưng là chủ đoàn xe tải này kéo theo hơn 10 người tới cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Không chấp nhận bị xử phạt về lỗi quá khổ, quá tải nhóm người này chặn trước đầu xe phản đối.
“Hơn 10 người quây kín đoàn xe tải, không hợp tác khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế phương tiện, gây cản trở giao thông trên đại lộ Thăng Long”, một nhân chứng nói.
Lê Văn Anh (32 tuổi, trú huyện Thạch Thất, người nhận là chủ 5 xe tải) cho biết, đoàn xe chở vật liệu xây dựng vào trung tâm TP. Tới địa phận huyện Đồng Trúc, nhiều tài xế dừng ăn tối thì lực lượng chức năng kiểm tra.
Người này thừa nhận đoàn xe vi phạm quá khổ, quá tải và từng bị thanh tra nhắc nhở, xử phạt nhưng không phục và tỏ ra bức xúc. "Tôi chấp nhận vi phạm để duy trì hoạt động kinh doanh vận tải có lãi. Nếu hạ tải sẽ thua lỗ, không thể cạnh tranh với doanh nghiệp khác", chủ đoàn xe tải nói và cho biết, sẵn sàng cắt thùng nếu lực lượng chức năng áp dụng chế tài với các nhà xe khác cùng lưu thông trên tuyến đường.
Theo ghi nhận, 5 xe tải loại 35 tấn đăng ký biển kiểm soát tại 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai. Cả đoàn xe này đều cơi nới thùng và chở đá xây dựng.
Lê Văn Anh, chủ phương tiện phản đối thanh tra xử phạt |
Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Thái - Đội trưởng Đội Thanh tra an toàn - Cục quản lý đường bộ cho biết, 5 xe hổ vồ dừng trên cao tốc Thăng Long đều quá tải trọng. Trước thông tin tài xế phản ứng vì lực lượng thanh tra chỉ xử lý nhà xe Tuấn Anh mà không xử lý xe khác, ông Thái cho biết số lượng vi phạm của các phương tiện quá nhiều, lực lượng chưa kịp làm triệt để.
"Công tác xử lý xe quá khổ, quá tải gặp nhiều khó khăn do chủ phương tiện chưa ý thức được sự nguy hiểm của hành vi vi phạm. Nhiều doanh nghiệp cử người theo dõi lực lượng thanh tra để báo tài xế né tránh hoặc dừng hoạt động", ông Thái nói.
Trước đó, lực lượng thanh tra làm nhiệm vụ trên cao tốc, quốc lộ từng đối diện nhiều trường hợp tài xế không chấp hành việc kiểm tra, cố tình lái xe tốc độ cao né tránh. Đối với trường hợp tài xế bỏ xe rời đi, lực lượng thanh tra ghi lại biển kiểm, dùng cứu hộ đưa phương tiện về cơ quan chức năng làm việc. Trung bình lực lượng thanh tra mất hơn 1 giờ để xử lý một xe tải vi phạm.
Ông Thái cho biết, đơn vị cũng từng kiểm tra, nhắc nhở nhà xe Tuấn Anh về hành vi quá tải, cơi nới thùng. Tuy nhiên, công ty này vẫn tái phạm. "Chúng tôi đã huy động công an địa phương ra hiện trường hỗ việc cưỡng chế, đưa xe về trụ sở nhưng nhóm người này chặn đầu phản đối", ông nói.
Vị đội trưởng đội thanh tra Cục đường bộ cho biết, sau 14 giờ phát hiện vi phạm, các tài xế, phụ lái 5 xe này vẫn bất hợp tác với lực lượng chức năng. "Nhóm người này dọa sẽ đốt xe nếu thanh tra cưỡng chế", ông Thái nói và cho biết đã báo cáo Tổng Cục đường bộ về vụ việc để huy động Công an Hà Nội vào cuộc.
Theo quy định tại Nghị định 171 và 107, các phương tiện vận tải đường bộ cố tình vi phạm chở quá tải trọng 100% trở lên để tham gia giao thông (áp dụng với chủ phương tiện là doanh nghiệp), mức phạt 34 triệu đồng/xe./.