Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (khai mạc vào sáng nay 26/9), GS.TS Trần Thục – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về BĐKH nhận định: ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn, phát triển kinh tế - xã hội nội tại của ĐBSCL và do BĐKH và nước biển dâng.
gsts_tran_thuc_2_vvcz.jpg
GS.TS Trần Thục trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long sáng 26/9. Ảnh: Việt Hùng
Mở đầu báo cáo đề dẫn đánh giá tổng quan các thách thức đối với ĐBSCL, GS.TS Trần Thục khẳng định: “Để có thể chuyển đổi mô hình để phát triển bền vững ĐBSCL và thích ứng với BĐKH, cần thiết phải nhận diện được các thách thức và các cơ hội đối với ĐBSCL để có thể đề xuất những giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển phù hợp”.
GS.TS Trần Thục phân tích: ĐBSCL nằm ở hạ lưu lưu vực sông Mê Công với tổng diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, phía Bắc giáp Cam-pu-chia, phía Đông và phía Tây giáp biển với hơn 700 km đường bờ. Địa hình khu vực khá bằng phẳng và thấp, độ cao phổ biến khoảng +1m so với mực nước biển trung bình. Khu vực này bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha, ĐBSCL còn thường xuyên bị lũ lụt, diện tích bị ngập lũ lên tới khoảng 1/2 diện tích toàn đồng bằng, mức ngập từ 1-4 m và thời gian ngập kéo dài từ 1-6 tháng.
ĐBSCL có dân số hơn 17,59 triệu dân, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, cây trái và thủy sản, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) cùng với việc phát triển ở phía thượng lưu. Vì vậy, xác định bối cảnh và các thách thức trong tương lai có vai trò rất quan trọng để định hướng ứng phó, đặc biệt giải pháp thích ứng với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong vùng ĐBSCL…
Về biến đổi khí hậu và thiên tai, GS.TS Trần Thục cho biết: ĐBSCL có đặc điểm địa chất, thổ nhưỡng ven bờ có lớp sét, cát pha xen kẽ, những lớp hạt cát do không có lực dính liên kết, vào các tháng mùa mưa khi mực nước lên cao, hiện tượng sạt lở xảy ra ít hoặc rất ít, khi đã ngậm nước và vào mùa kiệt, kết cấu đất đã yếu, thêm vào đó các hoạt động sử dụng đất làm tăng tải trọng lên bờ, sẽ tạo ra hình dạng như hàm ếch, do tác động của dòng chảy ở sông dẫn đến sạt lở bất ngờ do sức chống cắt của khối đất, hiện tượng sạt lở đã xảy ra tại khu vực An Giang phức tạp trong năm 2016. Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng gần 800 km, chủ yếu diễn ra dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Mức độ nghiêm trọng có xu hướng gia tăng.
Từ năm 2005 đến nay bờ biển vùng ĐBSCL bị xói lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, xảy ra chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Tổng diện tích xói lở 280 km2 với tốc độ trung bình 26-30m/năm trong đó đoạn bị xói lở cao nhất 50-67m/năm ở khu vực cửa sông Bồ Đề. BĐKH có thể làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ biển tại khu vực Mũi Cà Mau.
Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức.
Về suy thoái hệ sinh thái, ĐBSCL có thể xem là một vùng đất ngập nước rộng lớn. Hiện nay phần lớn diện tích đất ngập nước ĐBSCL đã được canh tác nông nghiệp. Các điểm nóng đa dạng sinh học chủ yếu là trong các khu bảo tồn chỉ chiếm chưa đến 10% diện tích đất ĐBSCL. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với những biểu hiện như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, thay đổi dòng chảy sông Mê Công, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng; gây ảnh hưởng quan trọng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước ĐBSCL.
Việc thiếu nước ngọt vào mùa khô dẫn đến tăng sử dụng nước ngầm lấy từ các tầng chứa nước sâu. Việc sử dụng nước ngầm hiện nay cho sinh hoạt và cho các hoạt động sản xuất tại ĐBSCL đang làm cạn kiệt các tầng nước ngầm đặc biệt tại bán đảo Cà Mau và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kết quả ban đầu của nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam với Viện Địa kỹ thuật Na Uy cho tỉnh Cà Mau thì tốc độ sụt lún địa chất do khai thác nước ngầm ở Cà Mau là 1,9÷2,8 cm/năm, tốc độ lún lớn nhất có thể lên tới 3,3 cm/năm. Khu vực Hậu Giang có tốc độ sụt lún do khai thác nước ngầm khoảng 3,01-3,3 cm/năm và có thể xảy ra ở hầu hết diện tích toàn tỉnh. Đối với Cà Mau, khu vực có tốc độ sụt lún lớn nhất 3,01-3,3 cm/năm do khai thác nước ngầm có diện tích có nguy cơ sụt lún ở tốc độ này khoảng 38450 ha.
Các nguyên nhân sụt lún cần có sự nghiên cứu và tích hợp một cách khoa học nhằm định lượng được tác động chính của các ảnh hưởng này nhăm tích hợp trong quy hoạch phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng, góp phần chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở cho ĐBSCL. Các số liệu này cần được ghi nhận bằng những số liệu địa hình chính xác cho toàn bộ khu vực ĐBSCL.
Thay đổi chế độ dòng chảy đến đồng bằng, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn; suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng; gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai; nước biển dâng do BĐKH; sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp; gia tăng xâm nhập mặn là những tác động lớn đối với ĐBSCL. Trong đó, sụt lún đồng bằng do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với ĐBSCL.
Đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng, quy hoạch phát triển ngành và địa phương. Đã có nhiều nỗ lực, chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ ĐBSCL. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn.

Hạn hán ở ĐBSCL.
Vì thế, theo GS Trần Thục, rất cần thiết phải có một định hướng tổng thể cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ĐBSCL trước các thách thức và các các tác động. Chuyển đổi phải là kế hoạch dài hạn và ở quy mô lớn về không gian cũng như đối tượng cần chuyển đổi.
Để có thể phát triển bền vững cần thiết phải sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, con người, khí hậu) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái.
Đặc biệt, theo GS.TS Trần Thục, liên kết vùng đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của chuyển đổi: Liên kết trong nội vùng của ĐBSCL và giữa ĐBSCL với các vùng miền trong cả nước; Liên kết vùng về kinh tế, tạo ra chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị cung - cầu. Liên kết vùng về xã hội nhằm đảm bảo sự phù hợp với xu hướng chung của xã hội, dựa trên sự đặc thù và đa dạng về văn hóa và tập quán của cộng đồng…/.