Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế với dân số khoảng 18 triệu người. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước.

vov_khi_hau_qzxn.jpg
Sạt lở là nỗi ám ảnh đối với cư dân đồng bằng.

Hiện ĐBSCL đang đứng trước khó khăn đặc biệt do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vào ngày 27/9, tại Cần Thơ, “Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” sẽ chính thức khai mạc do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì với sự tham dự của 500 đại biểu trong và ngoài nước. Hội nghị sẽ bàn nhiều giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững mang tính chiến lược, dài hạn đến năm 2100. Đây có thể coi là một sự kiện đặc biệt quan trọng, là cơ sở “mở lối” để ĐBSCL phát triển trong điều kiện mới, tình hình mới.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ĐBSCL trong mấy trăm năm qua, ở vùng đất này, dân tộc ta, nhân dân ta ở mỗi thời kỳ, giai đoạn của lịch sử lại phải đối diện với những khó khăn, thử thách mới. Nếu như thử thách của ngày đầu "mở cõi" là sự hoang vu, lạ lẫm, người Việt phải cần mẫn khai hoang , lập ấp, chung lưng đấu cật để xác lập chủ quyền thì càng về sau những khó khăn thêm chồng chất. Vừa phải đấu tranh với thiên tai, giặc dã, đồng thời phải bồi đắp bờ cõi, tạo dựng nghiệp cơ cho biết bao thế hệ gia đình.

Lịch sử châu thổ Cửu Long đã in nặng tấm chân tình tận trung vì nghĩa lớn của biết bao bậc tiền nhân như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Mạc Cửu, Nguyễn Trung Trực… Đặc biệt để khai lập trên vùng đất mới, các bậc tiền nhân đã bước đầu hình thành nên kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Ngọc Hầu và nhiều làng mạc, thị tứ dọc sông Tiền, sông Hậu để an cư cho hàng trăm ngàn cư dân.

Khi  đất nước được hoàn toàn độc lập, thống nhất, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc khai hoang phục hóa, mở các phong trào tiến công vào Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, biến hàng triệu ha đất hoang hóa nơi đây thành những cách đồng tốt tươi, màu mỡ. ĐBSCL trở thành nơi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp cho đất nước thoát qua những năm đói kém, cực kỳ khó khăn vì thiếu lương thực, thực phẩm.

Tuy vậy, cũng giống như những giai đoạn lịch sử trước, giờ đây khi điều kiện, hoàn cảnh đã thay đổi, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức mới, lạ, không mang tính quy luật. Đó là thách thức do biến đổi khí hậu với hàng loạt hệ lụy như mưa nắng thất thường, nhiệt độ thay đổi liên tục; nước biển dâng, xâm nhập mặn, khô hạn, sạt lở liên miên.

Khác biệt nữa là, các nước thượng nguồn Mê Kong chặn dòng chảy để tích nước đã làm đảo lộn toàn bộ hệ sinh thái ở vùng ĐBSCL; gây biết bao khó khăn cho hoạt động sản xuất, đời sống của người dân.

Chỉ cách đây 20 năm, khi vào mùa mưa, cả đồng bằng, lũ cuồn cuộn đổ về, gây thiệt hại về nhà cửa, ruộng vườn, kể cả sinh mạng của người dân. Hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây, các đê bao xung quanh các thị trấn, thị tứ, đê bao ruộng vườn đã giúp người dân nơi đây bình yên, có thu nhập trong” cơn bĩ cự”. Tuy nhiên 10 năm trở lại đây, khi bị chặn dòng chảy, kênh thoát lũ, đê bao vô tình lại gây tác động hạn chế sự bồi lắng phù sa, làm nước tiêu thoát nhanh, mặn có cơ hội lấn sâu.

Trong sản xuất, có thời điểm vì chống đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, ĐBSCL phải mang trọng trách sản xuất càng nhiều lương thực càng tốt, không chú trọng đến chất lượng. Phong trào mở rộng diện tích, thâm canh quay vòng 3 vụ lúa liên tục, tăng năng suất bằng bất cứ giá nào đã được thực hiện khắp nơi và lâu dần thành thói quen, khó bỏ. Giờ đây, trong điều kiện phát triển mới, “thành tích” khi xưa lại trở thành những lực cản; đa số nông dân chưa thể thay đổi để hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả; nền nông nghiệp sạch,thông minh. Đó là chưa kể, sự thay đổi nhiều khi đến chóng mặt của thực tế ĐBSCL hiện nay. Vào năm ngoái, hạn, mặn khốc liệt bủa vây khắp đồng bằng; năm nay lại mưa liên tục, chưa vào vụ đã mưa, rồi lại xuất hiện lũ, phá bỏ tính quy luật.

Do vậy “Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” với mục đích tìm lời giải cho chiến lược phát triển ĐBSCL trong hàng chục năm tới, thể hiện rõ tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; các địa phương và cả nhân dân trong vùng.

Bên cạnh phiên toàn thể, Hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề như tổng quan về thách thức, cơ hội, giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL; quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở; nhu cầu phát triển và nguồn lực. Bên cạnh đó là vấn đề huy động nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển ĐBSCL…

Rõ ràng đối với tình hình mới ở ĐBSCL như hiện nay, xây dựng một chiến lược dài hạn đến năm 2100 để phát triển bền vững cho vùng là một kế sách lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng cần tính toán đến các chiến lược ngắn hạn, các chiến thuật hợp lý cho từng giai đoạn. Nói chống biến đổi khí hậu ở ĐBSCL không hẳn chỉ là thích ứng mà đi kèm vẫn phải là các biện pháp phòng, chống hiệu quả, lâu dài./.