Sáng nay (26/9), tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị “Chuyển đổi mô hình, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hội nghị này có sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Đặc biệt là sự tham gia của rất nhiều tổ chức quốc tế đến từ Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… cùng nhiều đại diện các định chế tài chính quốc tế và tổ chức quốc tế là đối tác phát triển chính cho ĐBSCL như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB)...Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
Đây là hội nghị đầu tiên Chính phủ xem xét, đánh giá toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đối với ĐBSCL, nhận diện cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ ĐBSCL là một trong 4 vùng đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu. |
Việc Chính phủ tổ chức hội nghị “Chuyển đổi mô hình, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” là sự hành động thể hiện sự quyết tâm đặc biệt của Chính phủ nhằm huy động sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng, xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi với tầm nhìn đến năm 2100. Qua đó có những chiến lược một cách có hệ thống toàn vùng trong việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.
“Đây là sự kiện hết sức quan trọng, là hội nghị diên hồng cho cả khu vực. Là dịp để các đối tác có liên quan cùng nhau thảo luận nhằm đưa ra mô hình chuyển đổi phù hợp cho cả vùng để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Thống nêu rõ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: ĐBSCL là một trong 4 vùng đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.
Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, tác động đến khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực.
“Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm nguồn nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thác và môi trường, làm thây đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính. Một là phân tích, nhận diện đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.
Hai là dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.
Ba là thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hóa các thách thức thúc đẩy quá trifhn chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL.
Bốn là xác định các dự án, nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên.
Sau phần khai mạc, các đại biểu đã tham dự 3 phiên chuyên đề song song về định hình chiến lược phát triển bền vững với các chủ đề chính: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL (do Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì); Quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng (do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì); Chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, sạt lở do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì.
Tại các phiên thảo luận chuyên đề, phần lớn ý kiến của các đại biểu đều có chung nhận định, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất là khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó đáng kể nhất là tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng như ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, đời sống người dân vùng ĐBSCL.
Mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Đặc biệt, GS.TS. Võ Tòng Xuân đặc biệt lưu ý đến những vấn đề "nóng" ở ĐBSCL như sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, hạ tầng giao thông vận tải, nguồn nhân lực cho vùng trong điều kiện biến đổi khí hậu; các thách thức mà ĐBSCL gặp phải trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay tới năm 2100.
Theo chương trình dự kiến, các thách thức xoay quanh việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; các nhận định về các cơ hội mở ra cho phát triển bền vững ĐBSCL; định hướng về giải pháp hạ tầng thủy lợi ĐBSCL, các dự báo về việc sử dụng nước xuyên biên giới và quy hoạch tích hợp ĐBSCL… sẽ được tiếp tục đề xuất, phân tích đến hết ngày mai./.