Những năm gần đây, tình trạng xâm thực bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra ngày càng nghiêm trọng, hàng nghìn hộ dân đối mặt với nguy cơ mất đất, nhà cửa. Nhiều khu tái định cư đã được xây dựng để đưa bà con vùng sạt lở đến nơi an toàn, nhiều người dân vẫn không mặn mà với các khu tái định cư này.
Ảnh minh họa, nguồn: KT |
Nhiều năm nay, khu vực bờ biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa thiên-Huế bị xâm thực nghiêm trọng, khiến hàng trăm hộ dân ở các thôn ven biển phải đối mặt với nguy cơ mất đất, đe dọa đến tính mạng.
Từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư với diện tích 40ha, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng ở 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền để di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ dân nằm trong vùng sạt lở vẫn chưa chịu di dời đến các khu tái định cư.
Ông Lê Truyền, thôn An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cho hay: “4 năm trở lại đây, sạt lở hết sức trầm trọng, xâm thực vào đất liền 20 m. Do đó, nguyện vọng của bà con muốn Nhà nước đưa vào khu tái định cư. Có một số hộ mặc dù đang bị sạt lở đe dọa nhưng vận động họ chưa đi vì điều kiện họ khó khăn mà mức hỗ trợ của Nhà nước lên làm nhà không đủ, do đó họ cũng có hướng đi nhưng đợi một thời gian nữa để có tích lũy thêm hàng năm rồi họ đi”.
Dự kiến, khoảng 500 hộ dân vùng sạt lở sẽ chuyển đến các khu tái định cư Tân An, An Lộc - Tân Thành, Hải Thành và Cương Gián ở huyện Quảng Điền. Tuy nhiên, sau 5 năm hình thành, địa phương này mới huy động hơn một nửa số hộ đến ở. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Số hộ tái định cư quá lớn nên ưu tiên di dời những hộ bức xúc nhất, những hộ còn lại sẽ hỗ trợ di dời dần. Tuy nhiên vì ngại xa nên một số hộ dân muốn ở lại để thuận tiện trong việc khai thác hải sản.
Tất cả các hộ năm trong diện di dời, trong chính sách có hỗ trợ kinh phí, mỗi gia đình lên tái định cư được hỗ trợ 20 triệu đồng. Huyện đề xuất di dời hết các hộ nằm trong diện sạt lở nhưng về phía tỉnh cũng mức độ chứ không thể hỗ trợ hết toàn bộ mà theo phân kỳ những hộ bức xúc nhất đi trước, những hộ khác đi sau. Về phía huyện cũng đã đề xuất và tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương sớm kiên cố hóa kè chống sạt lở ven biển cho bà con yên tâm.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 10 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 30km, tập trung chủ yếu ở các vùng biển thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Trong số này có khoảng 10km bờ biển cần phải xử lý khẩn cấp, nhằm tránh nguy cơ uy hiếp trực tiếp gần một nghìn hộ dân sinh sống khu vực này. Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: để xử lý, khắc phục các điểm sạt lở này, địa phương rất cần sự hỗ trợ kinh phí và các giải pháp kỹ thuật từ các cơ quan Trung ương.
“Tỉnh rất mong được Chính phủ quan tâm hỗ trợ đầu tư cấp bách xử lý các đoạn bờ biển xung yếu, các khu vực gồm: dự án kè chống sạt lở tại khu vực bờ biển thôn An Dương, huyện Phú Vang; chỉnh trị cửa biển Thuận An; dự án kè chống sạt lở bờ biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền... Chính phủ cũng quan tâm bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện chương trình nâng cấp đê biển đã được phê duyệt còn 136 km với nguồn vốn hơn 1 nghìn tỷ đồng”, ông Đính nói.
Để hạn chế ảnh hưởng của xâm thực bờ biển, ngoài việc tổ chức tái định cư cho người dân vùng sạt lở ven biển, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần thực hiện giải pháp đồng bộ như: trồng lại rừng phòng hộ ven biển; ngăn chặn khai thác cát ven biển; khẩn cấp đầu tư dự án kè chống xói lở để đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở./.