Xã Quảng Tín, huyện Đăk Rlấp là một trong những nơi bị ngập lụt nặng nề nhất trong đợt lũ này. Hơn 20 hộ dân ở thôn 4 vẫn còn bị cô lập bởi chiếc cầu bắc qua suối bị ngập sâu, nước chảy xiết. Ông Nguyễn Văn Sửu, ở cạnh suối cho biết, suốt đêm 6/8 mưa tầm tã, đến gần sáng 7/8, nước suối đổ về, chảy xiết qua vườn, cuốn trôi hết gia cầm và đồ dùng quanh nhà.
“Chưa khi nào nước lên cao như thế này. Nước cũng lâu rút. Ngày trước chỉ lên ven ven bờ rồi rút, chứ chưa có khi nào nước lên cao kiểu này”, ông Sửu cho biết.
Nước lũ ngập tràn mặt cầu khiến việc qua lại của người dân gặp nhiều nguy hiểm. |
Đến chiều tối 7/8, nước suối dù rút bớt nhưng vẫn tràn qua mặt cầu hơn 30cm, nên việc đi lại vẫn còn rất khó khăn, nguy hiểm. Các hộ dân ở bên kia cầu, nước vẫn còn lênh láng trong nhà, vườn cây hồ tiêu và cà phê bị ngập úng hoàn toàn. Ông Đặng Hữu Công, Thôn trưởng thôn 4 cùng lực lượng dân quân xã Quảng Tín, huyện Đăk Rlấp đang túc trực tại đây để tiếp tế lương thực cho các hộ dân bị cô lập: “UBND xã cũng đã nêu ra vấn đề nếu có khó khăn quá thì phải hỗ trợ mỳ tôm cho bà con. Chúng tôi cũng đã vận động bà con tìm chỗ cao để có phương án di chuyển đồ đạc”.
Đợt lũ này, riêng huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông có 60 ngôi nhà bị ngập, và hơn 400 ha cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng.
Áo phao được cung cấp cho người dân ở những điểm ngập nặng. |
Ông Phạm Quang Vượng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn huyện Đăk Rlấp, đích thân lái xe bán tải của gia đình chở phao cứu sinh, áo phao và mỳ tôm cho người dân ở những điểm bị ngập lụt,ư. Ông cho biết, việc cấp thiết nhất hiện nay là đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Những nơi bị cô lập, địa phương sẽ tiếp tế lương thực kịp thời.
“Có một số hộ dân bị ngập và bị ảnh hưởng do sạt lở đất đã được chuyển đến vị trí an toàn. Còn các hộ dân bị cô lập, chúng tôi đã cung cấp 40 áo phao và 20 phao cứu sinh để đảm bảo tính mạng cho người dân trước mắt”, ông Vượng nói./.