Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Hòn Tre ngưng khai thác đá tại mỏ đá Monzonit xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, di chuyển tài sản ra khỏi khu vực này từ tháng 4/2018. Nhưng từ đó đến nay, Công ty Cổ phần Hòn Tre không những không chấp hành mà còn tập kết phương tiện, xây dựng thêm cơ sở, tiếp tục khai thác đá trái phép mà chưa có cơ quan nào kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn.

Những ngày gần đây, công ty Cổ phần Hòn Tre vẫn tập kết những tảng đá lớn đưa xuống xà lan để chờ xuất đi. Không chỉ khai thác đá trái phép, từ khi được cấp phép lần đầu vào năm 2015 đến nay, Công ty còn có nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản.

vov_da_2_dkxr.jpg
Công ty Cổ phần Hòn Tre vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản, gây mất an toàn cho người đi đường.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, tỉnh Kiên Giang, giấy phép khai thác khoáng sản của công ty cổ phần Hòn Tre đã hết hiệu lực từ giữa năm 2017. Đến thời điểm này, công ty chưa được tỉnh gia hạn cấp giấy phép khai thác nhưng Công ty vẫn tiến hành khai thác đá trái phép.   

Trước đó, cuối năm 2016, Sở Tài nguyên môi trường Kiên Giang đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Hòn Tre.

Cụ thể, năm 2015 công ty không lập và 6 tháng đầu năm 2016 có lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác của khu vực bãi xử lý rác nhưng các thông tin, số liệu chưa đầy đủ theo quy định; khai thác chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy phạm khai thác mỏ lộ thiên có nguy cơ mất an toàn cao cho người và thiết bị; chưa cắm đầy đủ mốc giới khu vực khai thác khoáng sản theo quy định; chưa nộp tiền thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; chưa thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định...

Mặc dù được yêu cầu đóng cửa mỏ nhưng Công ty vẫn mở rộng việc xây dựng công trình để khai thác đá ra tận bờ biển.

Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng yêu cầu công ty khi khai thác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy phạm khai thác mỏ lộ thiên, cụ thể không được khai thác từ dưới lên mà phải khẩn trương cải tạo, mở đường lên tầng cốt +70m (khu vực bãi xử lý rác) và tầng cốt +80m (khu vực nghĩa trang nhân dân) tạo mặt bằng khai thác, sau đó mới khai thác, cải tạo xuống các tầng phía dưới. Khi đang cải tạo, khai thác tại các tầng phía trên thì không được để máy móc, thiết bị hoạt động tại chân tuyến phía dưới. Nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của ngành chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Hoa, người dân xã Hòn Tre cho rằng, dự án này đã khởi công gần 9 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong khiến người dân bức xúc.

"Hiện nay bãi xử lý rác làm chậm nên không có chỗ đổ rác, phải đổ cặp đường đi, kéo dài ra gây ô nhiễm cho nên người dân ở đây rất bức xúc. Mong tỉnh quan tâm đốc thúc nhà đầu tư sớm thực hiện công trình này càng sớm càng tốt vì từ khi dự khởi công đến nay đã hơn 9 năm. Bà con chỉ mong muốn tỉnh nên quan tâm nếu nhà đầu tư này thực hiện không thực hiện được thì cần thay nhà thầu khác.

Dự án cải tạo mặt bằng xây dựng khu xử lý rác thải và nghĩa trang nhân dân xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải do Công ty Cổ phần Hòn Tre thực hiện đã được khởi công từ năm 2012. Đến ngày 5/5/2015, UBND tỉnh Kiên Giang mới cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho công ty Cổ phần Hòn Tre khai thác thu hồi khoáng sản mỏ đá monzonit để thực hiện dự án trong thời gian 2 năm. Đây là dự án mang cấp bách phục vụ dân sinh của huyện Kiên Hải nhưng tiến độ khai thác, cải tạo mặt bằng không đảm bảo tiến độ của dự án, chỉ đạt khoảng 30% khu vực bãi xử lý  rác và khoảng 20%  khu vực nghĩa trang nhân dân.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, công ty vừa đóng một số khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Quan điểm của huyện là tỉnh nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục hoạt động nếu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết. Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh có biện pháp chế tài xử lý để đẩy nhanh tiến độ khai thác đá để có mặt bằng cho địa phương xây lò xử lý rác, phát triển nông thôn mới của huyện.

"Dự án này đã tồn tại nhiều năm, vướng cơ chế này cơ chế kia. Quan điểm của huyện là tỉnh cần sớm gia hạn đồng thời đẩy nhanh tiến độ khai thác tạo ra mặt bằng để trước mắt bố trí lò đốt rác. Nếu đủ điều kiện thì đồng thời cho nhà đầu tư tiếp tục khai thác đá", ông Bình cho biết.

Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật, khu vực nghĩa trang có quy mô 1,4ha, khối lượng san lấp bốc dỡ đá hơn 137 m3; Khu xử lý rác 3,2 ha, trữ lượng đá bốc dỡ hơn 499 m3. Doanh thu từ bán đá hơn 146 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt hơn 27 tỷ 600 triệu đồng.

Năm 2012, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Hòn Tre thực hiện san lấp mặt bằng xây dựng khu xử lý rác thải và nghĩa trang nhân dân xã Hòn Tre và doanh nghiệp được lấy đá để bán bù vào chi phí san lấp. Ngược lại, Công ty cổ phần Hòn Tre đầu tư lại cho huyện hệ thống lò đốt rác theo tiêu chuẩn, trị giá 9 tỷ  528 triệu đồng  và đầu tư hệ thống hạ tầng khu nghĩa trang gần 4 tỷ 300 triệu đồng. Thế nhưng đến thời điểm này, mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong. Hệ thống lò đốt rác, hệ thống hạ tầng khu nghĩa trang theo cam kết doanh nghiệp đầu tư từ vốn của doanh nghiệp cho địa phương cũng không có.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Công ty Cổ phần Hòn Tre khởi công dự án cải tạo mặt bằng xây dựng khu xử lý rác thải và nghĩa trang nhân dân xã Hòn Tre từ những năm 2012 nhưng đến 5/2015 mới được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy phép khai thác? Vì sao gần 8 năm nay tiến độ khai thác chỉ đạt khoảng 30%? Vì sao công ty có nhiều sai phạm trong khai thác, thực hiện các nghĩa vụ tài chính, môi trường, đặc biệt có dấu hiệu không đảm bảo an toàn kéo dài nhưng vẫn không bị xử lý theo quy định của pháp luật, vẫn ngang nhiên khai thác đá trái phép, bất chấp các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang?/.