Người khô, cây héo

Tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, hầu hết các sông suối, hồ đập đều cạn kiệt. Một số hồ chứa nước, trên bờ cắm biển báo “Nước sâu, nguy hiểm, trẻ em không được tắm” nhưng dưới lòng hồ thì bà con lấy bát, thậm chí lấy tay gom vét những giọt nước hiếm hoi còn sót lại để tưới cho gốc cà phê.

Đắk Nông có 20.000ha cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu đang bị ảnh hưởng rất nặng, khô cháy. Đi đến đâu cũng gặp cảnh bà con ra sức khoan giếng, đào ao. Nhưng có nơi đào khoan sâu tới 150m cũng không thể tìm thấy nguồn nước ngầm. Tại huyện Cư M’gar Khương Miền A - một trong số các huyện bị hạn nặng nhất của Đắk Lắk - chuyện một nhà khoan vài ba giếng, thậm chí 4 - 5 giếng vẫn không có nước không phải là chuyện hiếm.

kho_han1_bgon.jpg
Trong các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng là tỉnh cho đến thời điểm này nguồn nước vẫn tạm ổn. Tuy nhiên, đến nay, có trên 10% diện tích đất nông nghiệp phải đối mặt với tình trạng khô hạn. Các vùng trồng cây công nghiệp dài ngày như các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương… đều có những diện tích cà phê, hồ tiêu khô hạn.

Mất rừng nên thiếu nước

Nguyên nhân khô hạn nặng nề của năm nay được cho là ảnh hưởng của hiện tượng El  Nino, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, dòng chảy các sông suối trên địa bàn giảm mạnh. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân rất cơ bản là rừng bị mất quá nhiều, nhất là rừng nguyên sinh đã gần như mất hết.

Những năm vừa qua còn có thêm nhiều nguyên nhân nữa, như: áp lực của tình trạng di dân tự do ở phía Bắc vào, hay việc đầu tư vào nhiều dự án phát triển, hoặc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong khi công tác bảo vệ, quản lý rừng lại không hiệu quả nên rừng nguyên sinh hiện còn không đáng bao nhiêu. Trên thực tế, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng là tỉnh bảo vệ được rừng nguyên sinh tốt hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp Lâm Đồng không bị hạn nặng như các địa phương khác.

Vai trò của thủy điện

Thủy điện có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước ở địa phương. Bởi vậy, vai trò chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, đặc biệt lãnh đạo cấp tỉnh có ý nghĩa quyết định. Trong đợt khô hạn này, điều đáng ghi nhận là các chủ đầu tư thủy điện đã phối hợp khá tốt với ngành nông nghiệp để cùng điều tiết nguồn nước và tích xả hồ đập để bà con có nước sản xuất.

Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều thủy điện, vì vậy, ngoài việc kêu gọi, tuyên truyền nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, cả trong sản xuất và sinh hoạt, chúng tôi cũng đã làm việc với các công ty thủy điện có liên quan để họ đồng ý tích xả nước một cách hợp lý, hài hòa để làm sao cho các vùng hạ lưu có nước, đảm bảo cho vấn đề    sản

xuất của nông dân tốt nhất”.

Tuy nhiên, do nguồn nước năm nay về các hồ đập nói chung và các hồ thủy điện nói riêng khan hiếm nên lượng nước tích trữ đến giờ còn rất ít. Để chống hạn một cách hiệu quả, căn bản thì phải giữ được nguồn nước bằng cách triển khai các chương trình trồng rừng tốt nhất.

“Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ xây dựng thêm một số công trình có thể bơm sử dụng nước từ các dòng sông của Krông Nô hoặc Sê-rê-pốc đưa nước lên; đồng thời kiến nghị Chính phủ xây dựng thêm một số hồ đập”, ông Trương Thanh Tùng cho biết thêm.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo quyết liệt cho ngành nông nghiệp cũng như các UBND huyện tiến hành quy hoạch các loại cây trồng phù hợp.

Khu vực nào đảm bảo nguồn nước sẽ triển khai cây trồng, nơi khô hạn khốc liệt hoặc đồi núi chập chùng kêu gọi trồng rừng để phục hồi môi trường sinh thái, là cơ sở để giữ nước. Tỉnh Đắk Nông cũng khuyến khích chuyển một bộ phận nông nghiệp sang trồng cỏ để nuôi bò, như vậy sẽ cải thiện được đời sống của người  dân.

Những ngày tới, các tỉnh Tây Nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều tiết nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nếu không có những giải pháp căn cơ, lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên sẽ luôn phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước vào mùa khô, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng nặng nề hơn./.