Sáng 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) tổ chức hội thảo về dữ liệu liên quan đến giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hiện còn thiếu nhiều số liệu thống kê về giới. Ảnh minh họa. |
Mục tiêu của Hội thảo nhằm thảo luận với các bên liên quan chính trong Chính phủ về việc cải thiện chất lượng dữ liệu có liên quan đến giới trong thống kê thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua Dự án EmPower (Dự án “Empower” – Tăng cường bình đẳng giới và quyền con người trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đây là một sáng kiến của UN Women và Cơ quan Phát triển Thụy Điển (SIDA) được triển khai ở Việt Nam từ năm 2019-2022), đồng thời chia sẻ một số kết quả ban đầu rà soát hệ thống dữ liệu về quản lý thiên tai từ góc độ giới, nghiên cứu các khuyến nghị cấp khu vực và toàn cầu về thống kê giới, môi trường và rủi ro, thảo luận về các ưu tiên để tăng cường thống kê về giới, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết, thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần trở nên bất thường, cực đoan cả về tần suất và mức độ, ảnh hưởng tới tính mạng và cuộc sống của người dân, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến nhóm dân cư nghèo và yếu thế nhất trong xã hội. Trong công tác phòng chống thiên tai, bình đẳng giới hay vai trò của phụ nữ trong các hoạt động phòng chống thiên tai tại Việt Nam luôn được quan tâm và tạo điều kiện thực hiện.
“Bác Hồ đã từng nói “Lụt thì lút cả làng, muốn cho không lụt, thiếp chàng cùng lo” điều này đã thể hiện rất rõ quan điểm về bình đẳng giới, vai trò của mỗi giới trong phòng chống thiên tai đã được quan tâm từ lâu. Thiên tai không phân biệt về giới, nghĩa là khi thiên tai ảnh hưởng đến một cộng đồng, không phân biệt phụ nữ hay nam giới. Vì vậy, huy động sự tham gia công bằng của nam giới và phụ nữ trong phòng chống thiên tai là điều quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai cũng như hướng đến bình đẳng giới. Điều này sẽ giúp phát huy vai trò; tạo cơ hội tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định; đảm bảo quyền thụ hưởng phúc lợi và chịu trách nhiệm với xã hội như nhau của nam giới và phụ nữ và tăng cường khả năng chống chịu cho cả cộng đồng”, ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, một trong các giải pháp quan trọng, cần được quan tâm triển khai đó là các thông tin, số liệu phục vụ phòng chống thiên tai có tách biệt về giới, tuổi, tình trạng khuyết tật.
“Nếu không có các số liệu này, chúng ta không thể hiểu được sự khác biệt về tình trạng dễ bị tổn thương giữa các nhóm người khác nhau, dẫn đến khó có các chiến lược, kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai phù hợp để tăng khả năng chống chịu, phục hồi của họ”, ông Sơn cho biết thêm.
Bà Jessica Gardner, chuyên viên tư vấn quốc tế thuộc Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc. |
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Jessica Gardner, chuyên viên tư vấn quốc tế thuộc Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho rằng, trong xã hội hiện nay chúng ta còn thiếu hiểu biết về mối liên kết giữa giới và môi trường, nhiều nguồn sản xuất dữ liệu thiếu sự phối hợp và trao đổi mang tính cấu trúc. Bên cạnh đó việc nhận thức và kiến thức về tiếp cận, sử dụng số liệu về giới còn hạn chế.
“Để làm tốt hơn công tác thống kê về giới cần nâng cao nhận thức về giới thông qua cam kết toàn cầu, sự ủng hộ và bảo đảm sự hỗ trợ ở cấp cao, tích hợp giới và môi trường trong các chiến lược quốc gia. Cùng với đó cần tăng cường công tác đào tạo về thống kê, truyền thông về thông tin thống kê,...”, bà Jessica Gardner cho hay.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Bà Nguyễn Thanh Tú, Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, Tổng cục Thống kê cho biết: “Về cơ bản số liệu thống kê về giới trong thiên tai và biến đổi khí hậu còn thiếu rất nhiều, hầu hết chỉ có số liệu thiệt hại về người sau khi thiên tai xảy ra. Cần cân nhắc đến tính chính thống và hợp lý của các cuộc điều tra cũng như sự chuẩn hóa của các chỉ tiêu được tính toán. Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến giới trong biến đổi khí hậu”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề lồng ghép giới trong các thống kê chính thức, các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng và các ưu tiên mới, khuyến nghị toàn cầu và khu vực về thống kê giới và rủi ro; các nhiệm vụ quốc gia, các vấn đề ưu tiên và các sáng kiến hiện có về thống kê giới trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; các nhiệm vụ quốc gia, các vấn đề ưu tiên và sáng kiến hiện có về thống kê giới trong hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, phát hiện và khuyến nghị về dữ liệu liên quan đến giới trong giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Việt Nam.../.