Ngày 15/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng Thành phố đến năm 2025 với sự tham gia của nhiều chuyên gia giao thông, các nhà khoa học, luật sư…

van_tai_bwtd.jpg
Nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị đã hoài nghi về tính khả thi của đề án khi thời điểm nghiên cứu đề án là từ năm 2009, đến nay đã có nhiều thay đổi về chính sách pháp luật, tình hình thực tế.

Các đại biểu đề nghị quy hoạch cần nêu cụ thể đối tượng thụ hưởng, dự kiến nhu cầu phát sinh do quy hoạch phát triển mở rộng thành phố, các khu trung tâm mới hình thành,…

Cần có chính sách quản lý cụ thể với các loại hình như uber, grab. Phải xác định mục tiêu nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng là nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để đạt mục tiêu hạn chế xe cá nhân vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được 40-50% nhu cầu đi lại của người dân vào 2025. Đặc biệt, quy hoạch cần phải bao trùm toàn bộ mạng lưới giao thông thành phố gồm đường bộ, đường sắt, metro, đường thủy…

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Người dân thành phố mong đa phương thức. Có những người ở sông rạch người ta mong phương thức vận tải đường sông thế nào, khi người ta qua khỏi đường sông lại mong đường bộ kết hợp như thế nào. Đây là một phương thức đa phương thức trong quy hoạch, phát triển như thế nào để đáp ứng nhu cầu của người dân. Giải quyết nhu cầu trong thành phố như thế nào nhưng cũng phải giải quyết liên kết với các tỉnh”.

Theo dự thảo, mục tiêu đề án là giải quyết ùn tắc giao thông khu trung tâm đô thị, trên các trục đường từ trung tâm đến các đô thị vệ tinh và tại các nút giao thông chính, giảm mức độ nghiêm trọng của tai nạn giao thông.

Dự kiến, giai đoạn 2015- 2020 thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 1 tuyến xe buýt nhanh (BRT), 140 tuyến xe buýt, vận chuyển được gần 1,9 triệu lượt khách/ngày, đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại. Giai đoạn 2020 – 2025 sẽ có 3 tuyến metro, 3 tuyến xe buýt nhanh (BRT), 179 tuyến xe buýt, vận chuyển được trên 4,2 triệu lượt khách/ngày (trong đó metro vận chuyển 1,6 triệu lượt, xe buýt 1,7 triệu lượt), đáp ứng 21% nhu cầu đi lại của người dân thành phố./.