Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại khu phố Hòa Lập, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương luôn phải sống trong tình cảnh thấp thỏm lo sợ vì sạt lở núi Ba Hòn. Khi có chủ trương di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm này, đa số người dân thống nhất, chỉ một số ít chưa đồng tình.Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng chưa xong nên huyện phải tiến hành di dời thành 2 đợt, trước mắt chỉ di dời 112 hộ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải tiếp tục sống cạnh “quả bom nổ chậm” có thể trút xuống đầu mình bất kỳ lúc nào, đặc biệt là trong mưa bão như hiện nay.
Khu tái định cư cho những hộ dân trong vùng sạt lở núi Ba Hòn. |
Trong khu vực sạt lở núi Ba Hòn hiện có 202 hộ dân sinh sống và thuộc diện phải di dời. Trong giai đoạn 1, huyện tiến hành di dời 112 hộ. Ngoài số tiền hỗ trợ di dời 25 triệu đồng, Nhà nước còn cấp miễn phí cho mỗi hộ gia đình thêm một nền nhà có diện tích trung bình khoảng 100 mét vuông.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay chỉ có 53 hộ di dời xong, chiếm tỷ lệ chưa đến 30%, vẫn còn một số hộ dân chưa chịu di dời, trong đó có gia đình của chị Nguyễn Thị Yến. Mặc dù căn nhà của chị nằm ngay dưới chân núi Ba Hòn, đã nhiều lần sạt lở đá. Lý do chị Yến chưa chịu di dời là do đợi chủ trương di dời của huyện quá lâu nên khi huyện có chủ trương thì gia đình chị cũng vừa xây xong căn nhà mới trị giá hơn 200 triệu đồng.
Đây là tài sản cả đời 2 vợ chồng dành dụm chắt chiu được, giờ di dời với mức 25 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước thì gia đình không đủ khả năng để xây dựng lại căn nhà mới ở khu tái định cư vì vậy chị Yến xin được di dời ở giai đoạn 2.
"Tất nhiên là phải lo rồi, không có ai đem sinh mạng cuả mình ra để liều hết nhưng đó là khả năng của gia đình em mới xây được căn nhà lên rất là ham, ở chưa được bao lâu. Không phải mình nói là không di dời mà nhà nước cứ nói năm này qua năm kia kéo dài nhiều năm rồi", chị Yến nói.
Nguy hiểm luôn rình rập người dân trong vùng sạt lở núi Ba Hòn. |
Trong khi đó thì phần lớn những hộ dân tại khu vực sạt lở núi Ba Hòn đều có nguyện vọng sớm được di dời. Nguyên nhân là do sau nhiều năm trông chờ chủ trương của Nhà nước, những căn nhà cây, vách lá hoặc vách tol đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đủ sức để chống đỡ trước những cơn giông lốc, mưa bão. Không những vậy, nỗi sợ hãi, phập phồng vì sạt lở đá đã trở nên quá khủng khiếp. Người dân lo lắng rằng chưa kịp di dời thì “quả bom nỗ chậm” có thể đổ ập xuống đầu họ bất kỳ lúc nào, nhất là trong thời điểm mưa bão liên tục như hiện nay.
"Sửa không cho, ở không được nên dân cũng bức xúc nhiều lắm, cần đi mà không được. Bây giờ chúng tôi muốn đi liền để yên ổn cuộc sống chứ không thể để con cái còn nhỏ mà ở ngôi nhà dột nát như thế này được"- một người dân ở đây bức xúc.
Hiện còn hơn 100 hộ dân tại khu vực sạt lở nguy hiểm núi Ba Hòn đang mong chờ huyện Kiên Lương đẩy nhanh tiến độ di dời, để họ sớm thoát khỏi tình cảnh khốn khó như hiện nay vì “đi không được mà ở cũng không xong”.
Ông Trần Bình Trọng, trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết: "Do cơ sở hạ tầng hiện bây giờ chỉ bố trí được 112 hộ, còn đợt sau cơ bản huyện sẽ xin các nguồn vốn của trung ương bố trí, dự kiến trong năm 2020 sẽ bố trí cho 90 hộ còn lại".
Việc di dời người dân khỏi khu vực sạt lở núi Ba Hòn không chỉ giúp họ được ổn định cuộc sống, thoát khỏi mối nguy hiểm sạt lở núi luôn rình rập trong suốt bao nhiêu năm qua, mà còn giúp sắp xếp, quy hoạch lại dân cư. Chính vì vậy huyện Kiên Lương cần tranh thủ mọi nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp người dân an cư lạc nghiệp./.