Trước diễn biến của bão số 6 (bão Mangkhut), trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã hoàn tất các phương án ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản nếu có tình huống xấu xảy ra...

bao_1_vov_jnlu.jpg
Tàu thuyền neo đậu tại bến cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải
 

Hiện nay, số tàu, thuyền khai thác trên biển do huyện Tiền Hải quản lý là 534 phương tiện, với 1.105 lao động. 100% tàu thuyền của huyện quản lý đã nhận được tin bão, tàu thuyền đã và đang vào tìm nơi trú ẩn an toàn.

Khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản có 1.659 lao động đã liên lạc được 100% với các chủ hộ và người lao động cam kết vào bờ theo quy định. Tàu bảo vệ giàn khí đã vào cảng Diêm Điền tránh trú.

Nghệ Antiếp tục có công điện khẩn ứng phó với bão số 6

Thực hiện Công điện số 1256 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, nhất là hoàn lưu mưa sau bão, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An tiếp tục ra công điện khẩn, đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các sở ngành, các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, kể cả các tàu vận tải, du lịch biết thông tin, diễn biến; hướng di chuyển của bão để thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh an toàn; kiểm tra, rà soát phương án sơ tán người dân, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con.

Tàu của ngư dân của địa phương được sắp xếp neo đậu

Thượng tá Hồ Quyết Thắng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã triển khai đầy đủ cho các đơn vị Biên phòng tuyến biển và tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương để phối hợp các lực lượng chức năng khác, tiến hành níu kéo tất cả các phương tiện nằm trong diện cần phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt không cho các ngư dân và các quần chúng nhân dân ở trên các phương tiện, bè cá ven biển và các khu vực có thể dễ dẫn đến thiệt hại do bão và hoàn lưu của cơn bão Mangkhut khi đổ bộ vào đất liền”.

Đối với các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, tỉnh Nghệ An triển khai các phương án tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín và hải sản đạt yêu cầu thương phẩm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chủ động tiêu nước đệm, chống ngập úng vùng trũng và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các đập, hồ chứa xung yếu hoặc đã đầy nước. Các vùng miền núi có nguy cơ sạt lở, dễ bị ngập sâu, chia cắt, khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất thì triển khai phương án 4 tại chỗ.

Ông Vi Hòe, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, vì lý do xa trung tâm của tỉnh nên mọi công tác liên quan đến phòng chống lụt bão thì huyện phải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ như lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ. Hiện nay, Kỳ Sơn đã sẵn sàng lực lượng phương tiện cũng như chỉ huy để bảo đảm cho ứng cứu hoặc là phòng chống sạt lở ven sông hoặc những điểm nguy cơ sạt lở cao./.