Ngày 6/4, theo báo cáo tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành uỷ-HĐND-UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ngành quý I/2016 cho thấy: tình hình triển khai thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", trong Quý I/2016, các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tiến hành đồng bộ các nội dung để duy trì kết quả đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.

Trong đó tập trung việc rà soát 104 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm để có biện pháp xử lý; tháo dỡ, loại bỏ 158 biển quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị; sắp xếp, thanh thải  đường dây cáp đi nổi trên 8 tuyến phố mới, cùng với 220 tuyến phố đã triển khai đến hết năm 2015; tăng cường thu dọn các điểm tồn đọng rác, phế thải xây dựng, công tác phun, rửa đường, vỉa hè, cấp thoát nước, tăng cường quản lý, duy trì hệ thống cây xanh, vườn hoa, cây xanh,...

xa_rac_yfbq.jpg
Ảnh minh họa, nguồn: KT
Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông, rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, các "điểm đen" để có giải pháp tổ chức giao thông hợp lý. Cùng với đó, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, tiến hành kiểm tra 4.561 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 946 trường hợp. UBND cấp xã, huyện đã xử lý 510 trường hợp, cưỡng chế 102 trường hợp, xử lý tự khắc phục 388 trường hợp, xử phát vi phạm hơn 4,2 tỷ đồng.

Các cơ quan, ban ngành TP. cũng tăng cường công tác tuyên truyền, cổ động nến sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh các chương trình Hà Nội Thành phố xanh, Thành phố an toàn, Thành phố văn minh, Hà Nội nghĩa tình, Hà Nội trẻ, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Người tốt việc tốt, Gia đình văn hóa...

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác trật tự và văn minh đô thị, đó là vấn đề mỹ quan đô thị mới chỉ dừng ở yêu cầu xanh - sạch, yếu tố thẩm mỹ mới chỉ được quan tâm trong các dịp lễ, tết; chưa tìm được giải pháp thực sự hiệu quả trong việc sắp xếp kinh doanh hè phố, lòng đường vỉa hè một số nơi vẫn bị lấn chiếm, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp,...

Trong thời gian tới, trên cơ sở kết quả thực hiện vừa qua, các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cưỡng chế, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, sắp xếp việc kinh doanh hàng quán, trông, gửi xe, tập trung táp dỡ mái che, quản cáo, rao vặt,... làm mất mỹ quan đô thị; thực hiện hạ ngầm, sắp xếp thanh thải các đường dây nổi, cơ giới hóa, hiện đại việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải,...; đẩy mạnh xây dựng các công trình, phương tiện chống bụi, thoát nước, bảo vệ môi trường,...; hệ thống tuyên truyền, cổ động nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn Thủ đô.

Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp, thành phố Hà Nội lựa chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Hoàng Trung Hải khẳng định quyết tâm của Thành phố trong việc thực hiện mục tiêu Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đề ra “xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, xứng đáng là thành phố tiêu biểu cho cả nước về văn hóa, thành phố Văn minh - Xanh - Sạch - Đẹp, gắn với xây dựng đô thị thông minh.

Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về trật tự, kỷ cương và nếp sống văn minh đô thị, với việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ của “Năm trật tự và văn minh đô thị” cũng như trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành.

Bí thư Hoàng Trung Hải mong muốn: "Điều này phải tạo thành nếp sống, nếp nghĩ trong nhận thức từ cán bộ các cấp đến mỗi người dân, để mỗi người phải xấu hổ khi để 1 xã, phường, khu phố bẩn, không văn minh. Chúng ta có đủ các quy chế, các sáng kiến nhưng không để việc triển khai chỉ mang tính phong trào. Làm sao để người dân tự giác thấy được một cán bộ, một người đi đường khi đi qua nhìn thấy một túi rác là nhắc nhở, là để vào chỗ quy định”.

Nhận xét công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, "ngày nào cũng có vấn đề", vì vậy, lãnh đạo cấp quận, huyện, xã phường nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng thanh tra, quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng từ khâu cấp phép đến kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng; chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý biển hiệu quảng cáo; tăng cường quản lý lòng đường, hè phố, từng bước chấm dứt tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, không có vỉa hè cho người đi bộ. "Không để tràn lan tình trạng xây xong rồi mới xử lý như hiện nay", Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Thời gian tới, Thành phố khẩn trương nghiên cứu, bố trí thêm các điểm, bãi đỗ xe, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông; có giải pháp thiết thực đảm bảo đời sống của nhân dân khi tiến hành xóa chợ tạm, chợ cóc.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý việc khẩn trương xây dựng và đưa vào thực hiện bộ quy tắc ứng xử để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trước mắt là thực hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thủ đô. Phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh./.