Ô nhiễm ngày một tăng

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có hệ thống sông ngòi, kênh rạch lên đến hơn 2.000km. Hệ thống sông, kênh, rạch này có vai trò rất quan trọng trong việc thoát nước cho thành phố. Với sự đầu tư kinh phí hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo môi trường, một số dòng kênh bị ô nhiễm nặng trước đây đã dần hồi sinh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự phát triển đô thị nhanh và sự yếu kém trong công tác quản lý, môi trường nước trên các sông, kênh, rạch tại thành phố 10 triệu dân này đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề và ngày càng có chiều hướng tăng lên.

Con kênh nối từ quốc lộ 13 cũ đến khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức giáp ranh với thị xã Thuận An của tỉnh Bình Dương được người dân nơi đây gọi là dòng kênh “đen”, bởi nước ở con kênh này lúc nào cũng đen kịt, bốc mùi hôi thối.

3a1_2317_cwbo.jpgKênh rạch tại TP HCM bị lấn chiếm và ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: CA TPHCM)

Cứ mỗi lần triều cường, rác thải, túi ni lông và lục bình trôi lềnh bềnh, còn khi nước cạn thì dòng kênh trở lại với màu đen quen thuộc. Tại những địa bàn giáp ranh với thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An -  tỉnh Bình Dương như phường Linh Trung, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức; xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi; phường Thạnh Lộc, quận 12… có rất nhiều dòng kênh “đen” như thế.

Chị Trương Quỳnh Trang ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết: “Ở đây trước thì sạch, nhưng sau này người ta thải rác ra nhiều quá nên kênh bị ô nhiễm. Vì ô nhiễm nên mùa khô thì rất nhiều muỗi, mùa nước lớn thì nước tràn vào nhà. Ở đây dịch sốt xuất huyết rất dễ xảy ra”.

Theo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, nguồn nước tại hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Các thành phần như: Nhu cầu oxy sinh học (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD), chỉ tiêu vi sinh (Coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng… đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép.

Tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn khi nước thủy triều xuống thấp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nước thải khu vực dân cư, cụ thể là nước thải sinh hoạt nhiễm phân và nước chảy tràn đô thị.

Các kênh, rạch ô nhiễm nặng tại thành phố Hồ Chí Minh có thể kể đến như: Rạch Phan Văn Hân ở phường 17, quận Bình Thạnh; kênh Nước Đen ở quận Bình Tân, kênh 19/5 chảy qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 4; hệ thống kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh nối từ chợ Bà Chiểu ra đường Trường Sa thuộc quận Bình Thạnh; kênh Ba Bò giáp ranh giữa quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngay cả kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hai con kênh mà thành phố đã tốn kém hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Văn Rô, người dân khu phố 1, phường 15, quận Bình Thạnh cho biết, rác rưởi, lục bình dưới lòng kênh rất nhiều. Cũng có đội đi thu gom, hốt rác nhưng không xuể vì rác ở trong các con kênh, các hẻm xả ra quá nhiều.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả nước thải. Tuy nhiên, hệ thống này đã bị quá tải vì sự đô thị hóa nhanh cùng với lượng rác và chất thải quá nhiều. Do diện tích bê tông hóa của thành phố ngày càng lớn nên lượng nước mưa không thể thẩm thấu xuống đất mà chảy tràn, mang theo chất thải xuống kênh, rạch dẫn ra sông.

Hơn 10 năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đã di dời gần 1.500 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc chỉ xử lý được một phần chất thải. Bên cạnh đó, nước thải từ thượng nguồn ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chảy ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cũng góp phần không nhỏ làm cho nguồn nước ở thành phố Hồ Chí Minh càng thêm ô nhiễm.

Dân xả rác vô tư nhưng không thể xử phạt

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng ô nhiễm trên các sông, kênh, rạch tại thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng là do ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, trong khi đó, công tác quản lý môi trường của các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang có những vấn đề đáng quan tâm.

Ví dụ như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được giao cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố quản lý. Đây không phải là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nên không thể xử phạt hành vi vi phạm. Chính quyền cấp phường cũng không thể xử phạt nếu phát hiện được người xả rác, câu cá. Tất cả chỉ dừng lại ở việc “nhắc nhở”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, vẫn còn nhiều người dân chưa có ý thức, quăng rác xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày. Tuyến kênh này chúng ta đã tốn rất nhiều kinh phí để nạo vét. Thành phố cũng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo các quận có tuyến kênh này đi qua phải tăng cường vận động, tuyên truyền người dân không xả rác. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu”.

Thực tế cho thấy, việc quản lý về lĩnh vực môi trường của thành phố Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và không chỉ dừng lại ở công tác vận động, tuyên truyền. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, cần phát huy vai trò của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trong việc quản lý và xử phạt những hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc phải tiếp tục triển khai những quy định về xử phạt những tổ chức, cá nhân xả rác, chất thải bừa bãi ra môi trường, cũng phải đề xuất từng bước điều chỉnh một số quy định về xử phạt hành vi xả rác. Luật đã có quy định rồi, nhưng trên thực tế để bắt quả tang, lập biên bản xử lý người đó thì rất khó khăn”.

Đã đến lúc, thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện những biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để bảo vệ và cứu lấy những dòng sông, những con kênh, rạch khỏi bị “chết”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mang lại không gian, môi trường sống trong lành cho người dân thành phố./.