Báo cáo tại hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, Thứ trưởng, TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã đề xuất một số kiến nghị để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo Nghị quyết 21 của Đảng về một số vấn đề trong công tác BHXH, BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý lĩnh vực này.

bhyt1_lvch.jpg
Nói về phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT, thực hiện Luật BHXH sửa đổi, bổ sung, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo BHXH các địa phương theo Quyết định 1548 của Thủ tướng.

Bà Minh cho biết: Năm 2015 đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ với 76,5% người dân cả nước tham gia BHYT, đầu năm 2016 có 70,8 triệu người tham gia, tăng 0,83 triệu so với năm 2015 và đang nỗ lực mở rộng.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. BHXH Việt Nam chưa được giao đầy đủ trách nhiệm để đề xuất các cơ chế, chính sách.

Thứ hai, quyết định 1548 của Thủ tướng giao các địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ người dân, trước mắt hỗ trợ 30% còn lại cho các hộ cận nghèo mua BHYT nhưng một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ. Hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ các hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, đối tượng học sinh, sinh viên…

Chưa có giải pháp hỗ trợ mở rộng tới các đối tượng vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn…

Để hoàn thành mục tiêu sớm bao phủ BHYT toàn dân, BHXH kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ tới 2020, với định hướng tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT.

Bà Minh đề nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách. BHXH Việt Nam chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện… để người dân có thể mua BHYT tại bất cứ đâu.

Thứ ba, với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, cho phép các thành viên được tham gia ở các thời điểm khác nhau trong năm và có giảm trừ từ thành viên thứ hai. Với các đối tượng vùng bãi ngang, trong khi chờ trình Thủ tướng danh sách các xã vùng bãi ngang, cho phép tiếp tục bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này theo Quyết định trước đây.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc BHXH VN cũng đề nghị Bộ Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút với người dân tham gia BHYT, có lộ trình tăng giá dịch vụ bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an điều chỉnh lộ trình để 100% đối tượng trong lực lượng vũ trang tham gia BHYT vào năm 2017.

Bộ Tài chính cân đối ngân sách, xem xét nâng mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên… kịp thời thay đổi cơ chế đóng bảo hiểm và cân đối quỹ.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở xây dựng kế hoạch để tới 2017 có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT… Các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, đưa nội dung phát triển đối tượng BHXH là chỉ tiêu phát triển KTXH hằng năm, 5 năm, huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng cần hỗ trợ…

BHXH đã tính toán chi tiết tổng mức hỗ trợ tại các địa phương để các địa phương nghiên cứu xem xét quyết định. Năm 2016 dự kiến là 450 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng khá đồng thuận về vấn đề này. Năm nay nâng giá dịch vụ y tế tăng thêm 10 nghìn tỷ thì Bộ Tài chính có thể chuyển khoản tiền này sang mua BHYT cho người dân.

Các giải pháp này đã được thảo luận nhiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc ít nhất 2 lần với các bộ ngành để có hướng hỗ trợ tốt hơn, tìm giải pháp cho những vấn đề vướng mắc.

Về hệ thống thông tin giám định thanh toán BHYT, đến nay BHXH đã cơ bản tập huấn vận hành cho các cán bộ, công chức. Nhưng có một số khó khăn vướng mắc, như hệ thống danh mục dùng chung giữa BHXH và cơ sở khám chữa bệnh chưa thống nhất, đầu ra của nhiều cơ sở chưa theo chuẩn…  nên công tác tin học hóa còn chậm, chưa đạt như mong muốn.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH đã ứng dụng CNTT trong giám định thanh toán chi trả BHYT. Thực tế tại các địa phương và theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, hệ thống giám định này không thể chia cắt, nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ không đồng bộ. Để liên thông với 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, cần thiết lập hệ thống thông tin thống nhất.

BHXH đã thống nhất lựa chọn Viettel, doanh nghiệp nhà nước có uy tín, hội đủ các yêu cầu và có khả năng bao phủ rộng lớn để thực hiện chương trình này. Dự kiến tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng cho 5 năm, mỗi cơ sở y tế chỉ cần 10 triệu một năm, mỗi hồ sơ bệnh án chỉ phải chi 1.500 đồng để giám định, khi vận hành sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Để hoàn thành hệ thống này trước 30/6/2016, BHXH kiến nghị Bộ Y tế ban hành bộ mã dùng chung về thuốc, vật tư… chỉ đạo các Sở Y tế phê duyệt đầy đủ danh mục, hoàn thành liên thông kết nối thông tin trên hệ thống mạng thông tin toàn quốc…UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở Y tế, các cơ sở y tế thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ như liên thông dữ liệu với BHXH đúng tiến độ./.