Ngoài sự chủ động của các địa phương và người dân trong ứng phó bão còn phải kể đến vai trò không thể thiếu của các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc truyền tải thông tin đến địa phương và người dân trong chủ động ứng phó bão.

mangkhut_zbqw.jpg
Bão Mangkhut là cơn bão mạnh nhất thế giới từ đầu năm 2018.

Những ngày siêu bão Mangkhut chưa vào Vịnh Bắc bộ, người dân khu vực đê biển Bình Minh 2 và Bình Minh 3 (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) ngoài công việc hàng ngày là nuôi trồng thủy sản thì việc theo dõi thông tin bão qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam là việc làm thường xuyên của những người dân nơi đây.
Anh Phạm Văn Cường ở xóm 9, xã Cồn Thoi - hộ nuôi trồng thủy sản trong đê Bình Minh 3 và anh Nguyễn Văn Bính, người dân xã Kim Mỹ, hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh 2 chia sẻ: “Chúng tôi nuôi trồng thủy sản trong đê Bình Minh 3 theo dõi diễn biến bão chặt chẽ để chằng chống nhà cửa, lều chòi và ngư cụ gói gọn lại để tránh mất mát, chủ động khi sơ tán.
Ngoài này là ngày xưa vượt đầm lên để nuôi tôm. Để tránh bão mọi người nghe đài báo rồi thông báo cho nhau. Quan trọng là bản thân phải chủ động”.
Theo Ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, ứng phó bão và siêu bão, chính quyền địa phương xác định bảo vệ đê biển là nhiệm vụ trọng tâm theo phương châm "4 tại chỗ".
Các bản tin dự báo bão qua làn sóng của Đài TNVN không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân mà còn giúp địa phương nắm thông tin kịp thời để ra các quyết định chính xác.
Với hệ thống đê biển có chiều dài 40km, trong đó có 15km đê trực diện biển, với 3km ở vị trí xung yếu, đê biển Bình Minh 3 hiện nay chỉ đối phó với bão cấp 9, cấp 10 còn với các cơn bão cấp lớn hơn nhất là siêu bão cần nâng cấp so với thiết kế hiện nay:
“Thông tin về các cơn bão trên Đài TNVN rất kịp thời. Trong các phương án phòng chống lụt bão của tỉnh và huyện đều xây dựng phương án phòng chống siêu bão. Nếu như siêu bão đổ bộ vào đất liền khả năng chống chịu của đê biển Bình Minh 3 sẽ gặp nhiều khó khăn. Địa phương đề nghị với tỉnh nâng cấp và sửa chữa kịp thời một số điểm xung yếu trên tuyến đê này và tỉnh đang khảo sát để nâng cao khả năng đón các cơn bão”, ông Đỗ Hùng Sơn chia sẻ.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão. Theo đó, các kịch bản ứng phó cụ thể với tình huống trên biển, gần bờ và đất liền; phân cấp và giao nhiệm vụ cho các Sở ngành trong tham gia ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai.
Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị đầy đủ cụ thể các phương án ứng phó đã góp phần chủ động triển khai trên thực tế trong quá trình đối phó với siêu bão Măng-khút còn gọi là bão số 6 vừa qua đối với địa phương.
Ông Lâm Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết: “Bão dưới cấp 12 sẽ có những phương án riêng. Chúng tôi đã xây dựng phương án phòng chống bão cấp 13 và trên cấp 16 được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt năm 2017. Với tinh thần chủ động xác định luôn cảnh giác với các nguy cơ có thể xảy ra, nhất là đối với các tình huống của bão mạnh và siêu bão”.
Nhận định về việc chủ động ứng phó siêu bão Mangkhut của một số địa phương qua kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nêu rõ, mặc dù không ảnh hưởng đến đất liền nước ta nhưng siêu bão Mangkhut còn gọi là bão số 6 khi đi vào Biển Đông là cơ hội để các địa phương chủ động diễn tập ứng phó với các cơn bão mạnh và siêu bão thời gian tới:
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói: “Rất may bão số 6 đã không trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền. Đây là dịp để đánh giá sự chuẩn bị ứng phó với thiên tai. Dự báo khá chính xác về thời gian xuất hiện và đường đi của bão cùng với sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương đến địa phương một cách nhịp nhàng. Đây là dịp để chúng ta diễn tập ứng phó với những cơn bão mạnh và siêu bão”.
Siêu bão Mangkhut là cơn bão mạnh nhất trên toàn cầu từ đầu năm đến nay, vượt cấp độ cao nhất trong thang báo bão 5 cấp độ đang được sử dụng. Việc rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo ứng phó bão là rất cần thiết để có thêm những bổ sung trong hoàn thiện phương án, kịch bản ứng phó bão mạnh và siêu bão của các Bộ, ngành, địa phương và người dân cũng như toàn xã hội trong chủ động ứng phó thiên tai./.