An Giang: Dân lo sạt lở, chính quyền lại cho phép khai thác cát
Thứ Năm, 19:00, 01/06/2017
VOV.VN - Những ngày qua, một số người dân ở ấp Tấn Thuận (An Giang) do lo sợ sạt lở đã ngăn chặn một doanh nghiệp khai thác cát ở khu vực này.
Trong vài tháng qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến hết sức phức tạp; cụ thể như cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã có 4 vụ sạt lở. Đặc biệt vụ sạt lở kinh hoàng tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới làm 16 căn nhà bị sụp hoàn toàn, tuy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại rất lớn về kinh tế . Ước tính thiệt hại khoảng gần 88 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nhà ở và đất 47 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 108 hộ dân với 460 nhân khẩu đang bị ảnh đến sinh hoạt và nơi ăn ở.
Ông Đống người tổ chức bà con hùn tiền để ngăn cản việc hút cát.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 50 đoạn có nguy cơ sạt lở, trong đó, 15 đoạn dài 30 km nằm trong tình trạng sạt lở nguy hiểm, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân. Tuy nhiên trước tình hình sạt lở đang đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân, vừa qua, tỉnh An Giang lại cấp phép cho một công ty khai thác cát trên địa bàn xã Tấn Mỹ, huyện Chợ mới, gây nên sự bức xúc cho người dân tại khu vực.
Nói về vấn đề này, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh người trực tiếp ký quyết định cấp phép cho biết: đây là dự án nạo vét thông luồng, đoạn sông khu vực ấp Tấn Thuận là 1 trong 10 đoạn sông cần nạo vét ở An Giang và đã có quy hoạch, chủ trương từ năm 2016. Mục đích của việc khơi thông luồng lạch là để chỉnh trị dòng chảy giữa sông, không làm sạt lở hai bên bờ và giúp tàu bè đi lại thuận tiện. Quá trình thực hiện, nếu luồng đó có cát thì tận thu khoáng sản và sẽ thu thuế. Có những luồng không có cát thì vẫn phải thông luồng.
"Trước yêu cầu khẩn cấp di dời 107 hộ dân của vùng sạt lở của xã Mỹ hội Đông vừa qua vào nơi ở an toàn, thì cần phải có nguồn cát san lấp khu dân cư. Rà soát lại, chúng tôi thấy vụ này đã thực hiện xong phần lập dự án, kể cả việc báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho nên trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chức năng, tỉnh đã phê duyện dự án để tận thu nguồn cát phục vụ cho khu dân cư", Phó Chủ tịch UBND Lâm Quang Thi cho biết thêm.
Trước tình hình sạt lở trên địa bàn An Giang còn diễn biến phức tạp và đang đe dọạ đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, việc UBND tỉnh An Giang cấp phép cho Công ty Dương Khang đưa phương tiện đến khu vực ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ mới để khơi thông luồng lạch, tận thu khoáng sản đã gây bức xúc và lo lắng người dân sống ở đây.
Bà Nguyễn Thị Mãi một người dân sống tại đây chia sẻ: “Đất của tôi 3 công mà canh tác trong 10 năm nay, đã lở mất giờ chỉ còn khoảng 1,2 công. Bây giờ lấy cát nữa thì trong vòng vài năm, đất tôi sẽ không còn, tôi yêu cầu dừng việc lấy cát để miếng đất này còn tồn tại kéo dài thời gian để đời sống ổn định".
Được biết, ấp Tấn Thuận nằm trên Cồn cũ với diện tích khoảng 48 ha có khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu. Khi phát hiện có xáng cạp cát ở khu vực đầu Cồn Cũ này, hàng chục hộ dân đã tổ chức thuê phương tiện chạy ra tận xáng cạp để đối phó và ngặn chặn việc khai thác này.
Để có dầu và phương tiện làm công việc này người dân đã tự hùn tiền, người ít thì 50 ngàn, người đóng góp nhiều thì vài trăm ngàn, với quyết tâm không cho xáng cạp múc cát. Theo người dân ở đây, việc nạo vét dòng chảy là vô lý, vì ở con sông này, trước giờ hầu như không có tàu bè lớn nào qua lại.
Người dân đang ngồi căn Xáng cạp hoạt động trở lại tại gia đình ông Đống.
Ông Đoàn Văn Đống là người tổ chức bà con ra ngăn chặn bức xúc nói: “Từ cái chỗ mà xáng múc cát khơi thông dòng chảy, sông này nó sâu thì cồn này nó lở càng nhiều từ chỗ đó bà con rất bức xúc. Khơi thông dòng chảy nó thiệt thòi quyền lợi của bà con, cả 5 xã trong đó có một thị trấn, đường chính bên Mỹ Luông cũng bị lở, đường liên xã Tấn Mỹ cũng bị lở, cồn này cuốn trôi theo dòng nước thôi. Khơi thông dòng chảy là không hợp lý, khơi thông càng sâu, nước sẽ chảy càng mạnh, đất càng lở nhiều. Sạt lở nhiều bà con ở đâu, lấy đất đâu mà sinh sống".
Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An, vừa qua do chủ quan, nóng vội muốn có nhanh nguồn cát để thực hiện dự án khu dân cư ở xã Mỹ Hội Đông nên Công ty Dương Khang đã đưa phương tiện để thăm dò. Tuy nhiên, việc làm này Chính quyền Huyện Chợ Mới và Công ty Dương Khang không thông báo cho người dân và các phương tiện qua lại khu vực này nên đã xảy ra việc dân bức xúc. Sắp tới, tỉnh và chính quyền địa phương sẽ tổ chức họp dân và vận động người dân vì công trình xây dựng khu dân cư ở Mỹ Hội Đông đang rất cấp bách.
Ông Lâm Quang Thi cho biết thêm: "Tôi đề nghị huyện lấy ý kiến của tất cả người dân, để người dân thảo luận và tham gia, biểu quyết trong việc thực hiện dự án. Trong trường hợp người dân còn có băn khoăn thắc mắc, chúng tôi đề nghị huyện cử đại diện dân thành lập tổ giám sát, đại diện cho các xã giám sát việc thực hiện dự án nạo vét thông luồng trên địa bàn 8,8 km của dự án này. Trong trường hợp dân không đồng tình cao, chúng tôi sẽ dừng dự án để tìm, lập dự án khác làm thế nào để có nguồn cát để khẩn trương thi công dự án cụm dân cư".
Nguyên nhân của tình hình sạt lở bờ sông ở khu vực ĐBSCL nói chung và sạt lở tại tỉnh An giang nói riêng là việc khai thác cát lòng sông quá mức trong thời gian qua. Để tránh tình trạng sạt lở bờ sông hiện nay cần phải có quy hoạch tổng thể về việc khai thác cát; đồng thời cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác cát lậu trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu./.
VOV.VN -Ngày 25/5, Công an TP Hải Phòng cho biết vừa bắt quả tang hai tàu trọng tải 100 tấn đang khai thác cát trái phép trên sông Cấm, thuộc huyện An Dương.