May mắn là trước khi chuyển viện, các bác sĩ đã kịp thời hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến dưới để cấp cứu cho trẻ qua cơn nguy kịch.

chan_tay_mieng_rrcf_ppve.jpg
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vừa cứu sống 2 bé trai bị tay chân miệng nặng độ 4 ở tỉnh chuyển về. (Ảnh minh họa: KT).

Trường hợp thứ nhất là bé trai Đặng Thành Công 2 tuổi, trú ở Cà Mau, bị tay chân miệng nhập bệnh viện Cái Nước, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh ngày càng nặng dần, tay chân miệng bắt đầu có biến chứng về thần kinh, sau đó là hô hấp, tim mạch, đã được các bác sĩ đặt nội khí quản và dùng thuốc trợ tim. Sau đó, bệnh viện kịp thời liên hệ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để hội chẩn qua điện thoại.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 hướng dẫn bác sĩ ở Cà Mau cách cài đặt máy thở, tiến hành các biện pháp trên đường chuyển viện một cách an toàn. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuẩn bị sẵn sàng giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị máy thở, máy lọc máu, chờ bệnh nhi. Sau khi chuyển lên vào khoa hồi sức, bé được nhanh chóng cho thở máy, truyền thuốc điều trị , thuốc vận mạch và nhanh chóng lọc máu, đến ngày 12/11, bé được cai máy thở, tỉnh táo đang nằm tại phòng hồi sức.

Trường hợp thứ 2 là bé trai Nguyễn Trọng Tín, 2 tuổi nhập Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, nhập viện trong tình trạng sốt, hồng ban, sau đó diễn tiến rối loạn hô hấp, mạch đập nhanh và suy hô hấp.

Hai bệnh viện đã cùng hội chẩn trực tuyến bằng quay phim, chụp ảnh và chuyển thông tin tình trạng bệnh nhi. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 bên liên tục trao đổi cập nhật tình hình bệnh nhi trên đường đi. Sau quá trình lọc máu, thở máy, hiện bé đã tỉnh táo, cử động chân tay tốt. Các bác sĩ tiến hành khám thần kinh, đánh giá các di chứng và xử trí kịp thời cho bệnh nhi.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, việc hội chẩn trực tuyến và huấn luyện trực tuyến đã góp phần thu hẹp khoảng cách, hướng dẫn cho bệnh viện tuyến dưới xử trí kịp thời cứu sống bệnh nhân. Đồng thời sẽ góp phần giúp giảm tải cho tuyến trên, tăng cường uy tín, nâng cao năng lực của tuyến dưới./.