Hoặc “xinh thế mà cũng phải đứng bán hàng” là lời nhận xét cho một thiếu nữ có bề ngoài nổi trội.

Nhận xét ấy phải chăng đã phản ánh một thực tế là người Việt Nam quá coi trọng hình thức mà đôi khi quên mất rằng chất lượng nhiều lúc quan trọng hơn cả?

Thực tế trên truyền hình giờ đây chỉ có những biên tập viên, dẫn chương trình trẻ trung dù cho có những show không chỉ cần nói và diễn. Trong khi trước kia có những người dẫn chương trình gạo cội, và giờ đây ở nhiều quốc gia phát triển thì những MC truyền hình nổi tiếng nhất hiếm ai dưới 40 tuổi.

hoahau_fqtd.jpg
Đỗ Mỹ Linh trong giây phút đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2016. Ảnh: Khánh Nguyễn

Và lĩnh vực truyền hình chỉ là một trong số hàng loạt những công việc mà chỉ vì hình thức nên người ta buộc phải đánh đổi với nội dung. Đó là chuyện của lĩnh vực hàng không, của giáo dục…

Cuộc thi hoa hậu Việt Nam mới đây khép lại thì cũng là lúc nổ ra một cuộc tranh luận nảy lửa là tại sao mà hoa hậu lại không đẹp bằng á hậu. Nó trở thành sự kiện quan trọng bậc nhất Việt Nam cuối tuần vừa rồi và chiếm những vị trí quan trọng nhất của nhiều tờ báo.

Chứng kiến điều đó lại nhớ là chúng ta đã từng chia sẻ với nhau rằng ở những quốc gia phát triển thì những cuộc thi sắc đẹp đôi khi còn bị hủy vì không có đủ thí sinh đăng ký.

Còn Việt Nam, cơ quan quản lý phải hạn chế số lượng các cuộc thi sắc đẹp nếu không thì tình trạng khá loạn hiện nay sẽ không biết đi về đâu. Và hoàn toàn có thể xảy ra khả năng là những cuộc thi sắc đẹp sẽ chỉ tìm ra những phụ nữ đẹp được khoác lên mình một danh hiệu giúp họ đổi đời ở một đất nước trọng hình thức trong khi một hoa hậu tài năng lại có thể có những đóng góp cho cả xã hội./.