Từ người mẫu đến người đẹp, từ quý cô đến cả quý bà. Có điều, đối tượng thi “chui” đều là những người đẹp ít tên tuổi và đích nhắm của họ là các cuộc thi quy mô nhỏ, thậm chí bị xếp vào dạng “ao làng”….

Thi “ao làng” thì càng phải... chặt!

Gần đây sau việc người đẹp Oanh Yến tự ý sang Philippines tham dự và giành ngôi vị Hoa hậu tại cuộc thi “Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015”, chuyện người đẹp thi “chui” lại rộ lên và “nóng” hơn bao giờ hết. Một số ý kiến cho rằng do các quy định của cơ quan quản lý văn hóa về cấp phép cho người đẹp dự thi quốc tế đang quá chặt nên thí sinh mới phải tìm cách “chui”. Vì thế, muốn hết thi “chui” thì cần phải nới lỏng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể có chuyện tự cho phép mình nhân danh người đẹp Việt Nam đi thi quốc tế. Lại có chuyện, lâu nay phóng viên theo dõi các cuộc thi sắc đẹp vẫn “ngầm” quy ước với nhau rằng, khi người đẹp nào thi “chui” thì không cổ súy bằng việc thông tin rộng rãi, kể cả trên mạng xã hội bởi làm như thế vô tình sẽ tiếp tay PR tên tuổi cho họ.

hoa_hau_udfz.jpg
Sân khấu chung kết cuộc thi mà Oanh Yến tham dự được dàn dựng sơ sài  như sàn diễn thời trang ngoài hội chợ.

Trở lại với trường hợp của Oanh Yến, sở dĩ người đẹp này gây chú ý cũng bởi chiếc vương miện “Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015” cũng là thành tích cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử thi “chui” của người đẹp Việt. Tuy nhiên nếu tìm hiểu sẽ thấy đây cũng chỉ là sân chơi sắc đẹp cỡ “ao làng” được tổ chức thường niên tại Philippines.

Có thông tin trước đêm chung kết cuộc thi này, một số thí sinh nước khác còn bỏ về do nhận thấy quy mô đấu trường sắc đẹp không hoành tráng như tên gọi, thậm chí điều kiện sinh hoạt cũng không đảm bảo. Chỉ cần nhìn vào những hình ảnh ghi lại đêm chung kết cuộc thi này cũng đủ ngao ngán, bởi sân khấu được dàn dựng sơ sài không khác gì sàn diễn thời trang ở ngoài… hội chợ. Đấy là chưa kể tên gọi cuộc thi đã thể hiện rất rõ ràng là dành cho các “Miss” (quý cô), trong khi Oanh Yến đã là mẹ của 2 cậu con trai.

Nói vậy để thấy ngôi vị Hoa hậu có được từ sự láo nháo của một cuộc thi cỡ “ao làng” kiểu như Oanh Yến chẳng đáng để trở thành ví dụ cho cái sự “chặt” trong quy định về cấp phép để người đẹp đi thi quốc tế. Nói cách khác, cũng bởi đích nhắm của những người đẹp thi “chui” là các cuộc thi “ao làng”, tiêu chí không rõ ràng… nên cơ quan quản lý mới càng phải chặt để tránh trường hợp mang tiếng đại diện Việt Nam nhưng có khi lại “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.

Thắt chặt hay nới lỏng?

Thực tế hiện nay, trên thế giới chỉ có 5 cuộc thi sắc đẹp uy tín mà nhiều năm qua, đại diện nhan sắc Việt vẫn được cơ quan quản lý văn hóa cấp phép tham dự là: Hoa hậu Thế giới, Hoàn hậu Hoàn vũ Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia và Hoa hậu Trái đất. Việc người đẹp nào tham dự các sân chơi trên cũng do một số đơn vị nắm bản quyền cử thí sinh Việt lựa chọn và làm hồ sơ trình Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép.

Hà Anh từng không thể đại diện nhan sắc Việt thi quốc tế  vì không có tên trong Top 3 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia nào.

Theo quy định hiện hành thì chỉ Top 3 thí sinh đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp quy mô toàn quốc mới đủ điều kiện để được cấp phép đại diện Việt Nam dự thi quốc tế. Cũng bởi sự giới hạn này nên có không ít cuộc thi, nhan sắc Việt đành lỗi hẹn không thể tham dự vì không chọn được ai, hoặc người được chọn vì lý do nào đó mà từ chối.

Đại diện một đơn vị giữ bản quyền cử người đẹp Việt đi thi quốc tế cho biết họ từng rất thích siêu mẫu Hà Anh đại diện Việt Nam dự thi “Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008” vì cô hội tụ đầy đủ những tiêu chí cần có để tham dự đấu trường sắc đẹp này. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Hà Anh chỉ lọt vào Top 10 cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008”. Ở góc độ khác, dễ dàng nhận thấy cũng bởi tính chuyên nghiệp, ý nghĩa xã hội rộng lớn và thương hiệu đã được khẳng định của các đấu trường sắc đẹp quốc tế trên nên không thí sinh nào có thể “chui” mà thi được cả.

Chuyện chỉ cử Top 3 người đẹp đoạt giải các cuộc thi sắc đẹp quy mô cấp quốc gia đi thi cũng đã đến lúc cần thay đổi theo hướng nới rộng ra cho phù hợp, để có thêm nhiều đối tượng “đem chuông đi đánh xứ người”. Tuy nhiên,  việc quản lý là cần thiết, chứ không thể vì các cuộc thi “ao làng” để “nới” quy chế rồi lợi bất cập hại./.