1_3__ykzl.jpg
Đêm diễn vào tối ngày 29/4 có sự hiện diện của 11 nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam và quốc tế, với 200 bộ trang phục mang đậm bản sắc châu Á.

Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế năm nay, chương trình “Hội tụ bản sắc châu Á” là sự kiện thời trang đỉnh cao, quy tụ nhiều nhà thiết kế có chỗ đứng nhất định trong và ngoài nước.

Các nhà thiết kế đã hô biến các chất liệu truyền thống như: zèng của dân tộc Tà Ôi, Thổ cẩm của dân tộc H'Rê, dân tộc Mông, lụa tơ tằm, đũi thành những bộ trang phục cao cấp, sang trọng, lịch sự và hiện đại.

Điểm nổi bật chính là chương trình biểu diễn trang phục dệt may trên chất liệu vải truyền thống các nước ASEAN với sự có mặt của các nhà tạo mẫu danh tiếng như: Ao Edwin Perez – Philippines; Emilio – Indonesia; Mohom Loikhamleng – Myanmar; Sakchira Wiengkeo – Thái Lan; Eric Choong – Malaysia; và 11 nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam như: Xuân Bảo, Quang Huy, Duy Nguyễn, Vũ Việt Hà, Chula, Vũ Trần Đức Hải, Hà Duy, Viết Bảo, Hữu Lala, Khánh Shyna, Minh Hạnh với những bộ sưu tập đặc sắc và tiêu biểu được thiết kế trên chất liệu vải truyền thống của mỗi nước.

Chương trình có sự góp mặt của Hoa hậu Ngọc Hân và Á hậu Thanh Tú

Đối với các nhà thiết kế Việt Nam, phần lớn trong số này là những người trẻ nhưng đã có một chỗ đứng nhất định. Thế nhưng họ đều ý thức được việc giữ gìn và phát huy những chất liệu truyền thống

 

 Được mong chờ nhất phải kể đến bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh, người có nhiều kinh nghiệm và có nhiều năm gắn bó với những thiết kế mang chất liệu truyền thống. Lần này, Minh Hạnh giới thiệu bộ sưu tập trên chất liệu vải thổ cẩm dệt cườm của dân tộc H’rê, Bato – Quảng Ngãi và Lụa Đũi Nam Cao – Thái Bình.

Với nhiều hoạt động liên tục về văn hóa và thời trang tại Việt Nam và các nước trên thế giới, những dấu ấn về nhà thiết kế Minh Hạnh chính là tạo ra được những giá trị mới của thời đại bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Việt Nam.

Việc khơi dòng cho những chất liệu quý của Việt Nam như thổ cẩm, lụa, thêu, dệt vải lanh đã làm sống lại những làng nghề truyền thống tưởng như đã bị lãng quên.

Đêm thời trang được diễn ra tại sân khấu Bia Quốc Học Huế, trong không gian cổ kính và hiện đại với gam màu xanh huyền ảo và nghệ thuật pháo hoa.

Sự dàn dựng công phu của chương trình, ánh sáng sân khấu hoành tráng đã cùng với những bộ áo dài tỏa sáng.

Mỗi bộ sưu tập đều mang cho mình những nét độc đáo, sự cuốn hút riêng. Do đó, đã ít nhiều đi vào lòng khán giả. Có thể đây chính là sự động viên lớn nhất cho chính các nhà thiết kế của chúng ta

 Huế được nhìn nhận là thành phố mang nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam, chính vì thế, những hoạt động trong Festival nghề truyền thống lần này đã trở thành nơi hội tụ của những cảm xúc, những khuynh hướng của các nhà thiết kế từ các nơi hội tụ về Huế. 

Cuộc gặp gỡ này được xem như cuộc hội tụ của sáng tạo, mong muốn thể hiện rõ nét bản sắc của mỗi dân tộc và có cùng một tiếng nói trong sự phát triển thời trang châu Á.