Thời trang Tết Đinh Dậu 2017 rộ lên với một bộ trang phục được nhiều chị em gọi là “áo dài cách tân”.  Hình ảnh chiếc áo dài với vạt áo ngắn ngang đầu gối được phối với chiếc váy đụp cũng có cùng chiều dài, đã gây nên nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều chị em, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn “áo dài cách tân” làm trang phục du xuân, chơi Tết thì không ít người cho rằng, việc phối hai trang phục này chẳng khác gì “cà phê pha với nước mắm”, “mắm tôm pha với ca cao”.

Cách tân áo dài để trang phục này trở nên đơn giản, tiện lợi trong sử dụng hay giữ nguyên bản sắc đang trở thành chủ đề bàn tán của không chỉ dư luận mà với cả các chuyên gia thời trang. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế (NTK) Đức Hùng vể vấn đề này.

PV: Thưa NTK Đức Hùng, anh nghĩ gì về bộ trang phục “áo dài phối với váy ngắn” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội?

NTK Đức Hùng: Mình cứ nghĩ rằng đó không phải là áo dài mà chỉ là một bộ quần áo thời trang thôi thì sẽ không bị bức xúc, căng thẳng. Nhưng nếu người mặc và người nhìn bộ trang phục ấy đều cho rằng đó là áo dài thì có nghĩa rằng họ vẫn chưa thực sự yêu bộ áo dài truyền thống. Người thực sự yêu áo dài truyền thống Việt Nam sẽ không cách tân tùy tiện đến như thế. Họ dễ dãi với sự cách tân và những người mặc nó cũng đang dễ dãi với chính cách ăn mặc của mình.

duc_hung_ytcf.jpg
Nhà thiết kế Đức Hùng

Với một tà áo dài Việt Nam, dù có cách tân đến mấy, cũng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố nhất định. Ví dụ áo dài là phải dài, ít nhất qua đầu gối, và phải mặc với quần. Chiếc quần đó có thể rộng, có thể cứng nhưng nó phải ra hình hài của một chiếc quần. Chúng ta có thể cách tân nhưng không thể cách tân đến độ không còn hình dáng của tà áo dài truyền thống.

PV: Nhưng sự cách tân cũng khiến trang phục truyền thống trở nên gần gũi và tiện dụng hơn?

NTK Đức Hùng: Sự cách tân là cần thiết nhưng việc giữ gìn vẻ đẹp truyền thống còn cần thiết hơn. Tôi ủng hộ việc mặc áo dài trong những ngày lễ tết như Tết Nguyên Đán, Tết Độc Lập, ngày trọng đại trong gia đình. Bởi vì mặc áo dài trong những dịp quan trọng, thiêng liêng cũng là một cách để chúng ta giữ gìn và trân trọng trang phục truyền thống của dân tộc.

Sự cách tân chỉ mang tính chất thời thượng. Đừng mượn vào cái cớ “áo dài bây giờ cũng chỉ là sản phẩm được cha ông cách tân” mà tùy tiện “biến tấu, pha chế”. Sự cách tân của cha ông gắn liền qua các giai đoạn phát triển của xã hội, đất nước. Và cha ông của chúng ta thực sự là những chuyên gia về thời trang, họ có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và mỗi sự cách tân đó đều có ý nghĩa lịch sử.

Ai đó suy nghĩ "áo dài mặc với váy ngắn" là một sự cách tân thì họ đang có sự nhầm lẫn đáng tiếc.

PV:Trước những sự cách tân như thế này, theo ông chúng ta nên kiểm soát như thế nào?

NTK Đức Hùng: Các nhà sáng tạo cần bình tĩnh nhìn lại và suy nghĩ kỹ càng trước bất cứ một sự biến tấu nào. Bản thân tôi là người yêu văn hóa truyền thống, và tôi tin những người yêu văn hóa truyền thống như tôi đều lo lắng cho tình trạng “hình ảnh áo dài Việt Nam” đang bị biến đổi một cách tùy tiện.

Trang phục áo dài "cách tân" đang gây tranh cãi trên mạng xã hội

Sự gìn giữ văn hóa truyền thống là rất quan trọng, nhất là trong xã hội đang ngày càng hiện đại hóa, thời trang như cơn lốc xoáy, thay đổi mỗi ngày. Xử lý một tà áo dài hay làm khác đi bằng chất liệu để áo dài trở nên năng động, gần gũi hơn cũng tốt nhưng không có nghĩa là thay đổi quá đà đến khác biệt. Gìn giữ, kế thừa và phát huy các trang phục truyền thống nên song hành cùng nhau nhưng vẫn phải ưu tiên việc níu giữ, bảo tồn giá trị truyền thống nhiều hơn.

PV:Nhiều năm nay, các hoa hậu, á hậu tham gia tại đấu trường sắc đẹp thế giới cũng mặc những chiếc áo dài được cách tân mạnh mẽ, theo anh điều này có phù hợp?

NTK Đức Hùng: Tôi tôn trọng sự sáng tạo của các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Những thiết kế đó là cả một tác phẩm được người làm ra nó nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc thi, về người mẫu. Họ biết cuộc thi đó cần gì, hoa hậu phải mặc trang phục truyền thống ra sao để thể hiện được vẻ đẹp của dân tộc.

Còn những chiếc “váy đụp kết hợp với áo dài” kia tôi tin chỉ là sản phẩm của một người thợ may bình thường. Ai cũng có thể nghĩ ra!

Thế giới nói chung và những nước gần chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hanbok hay Kimono của họ đều rất được giữ gìn nhưng khi đến các đấu trường sắc đẹp, họ phá cách rất mạnh mẽ.

Riêng ở Việt Nam, tôi khuyến khích sự sáng tạo của các nhà thiết kế đối với các trang phục dân tộc trong các cuộc thi sắc đẹp để hội nhập và điều này là cần thiết. Nhưng sự cách tân đó vẫn phải giữ được hồn cốt, phom dáng của chiếc áo dài truyền thống.

Môt nhà thiết kế giỏi, họ có quyền phiêu với sự sáng tạo, họ có quyền thích sự cách tân để có cái mới nhưng cái gốc vẫn phải là truyền thống và áo dài vẫn phải đằm thắm, kín đáo.

Thời trang là hơi thở và ở các cuộc thi sắc đẹp, họ sẽ nhìn trang phục dân tộc ở một lăng kính khác, chứ không phải là nét truyền thống cơ bản. Ở một sân khấu mà tất cả các áo dài truyền thống của các dân tộc đều được cách điệu thì áo dài Việt Nam, hay trang phục truyền thống của chúng ta không thể ngoại lệ được.

Hoa hậu Trần Thị Quỳnh mặc áo dài truyền thống trong một cuộc thi sắc đẹp.

Nhiều năm trước, tôi từng chuẩn bị áo dài cho Hoa hậu Trần Thị Quỳnh tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế. Năm đó, tôi đã giữ nguyên vẻ đẹp nguyên bản và phom dáng của chiếc áo dài truyền thống để Quỳnh mặc và nhận được nhiều lời khen. Nhưng đó là câu chuyện cách đây 10 năm. Bây giờ nếu ai đó có thêm sự sáng tạo, cách tân để mang đến vẻ đẹp mới cho áo dài, tôi hoàn toàn đồng ý. Nếu trong sự sáng tạo đó, vẫn phảng phất nét đẹp truyền thống, thì điều đó càng tuyệt vời.

PV:Xin cảm ơn anh./.