Một sự trùng hợp, cả hai mẫu đề xuất đều mang phom dáng veston, lựa chọn hoa sen là điểm nhấn trong tạo hình và không mang dáng dấp của áo dài, khăn xếp.

trang_phuc_apec_uuze.jpeg
Một mẫu áo nam và nữ được Bộ VHTTDL trình Ủy ban Quốc gia APEC 2017 để chọn trang phục cho lãnh đạo 21 quốc gia tham dự sự kiện APEC 2017. Ảnh: Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Trang phục APEC chứ không phải quốc phục

Từ năm 1993, khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao những chiếc áo khoác - giống như áo của phi công Mỹ - cho các nhà lãnh đạo tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), thì việc thiết kế trang phục APEC cũng được khởi xướng. Trang phục này được coi là thông điệp thể hiện tinh thần đoàn kết, vì hòa bình và phát triển chung của thế giới. Khi các nguyên thủ, không phân biệt quốc gia giàu - nghèo, mạnh - yếu, cùng khoác lên người trang phục APEC và chụp

Đã thành thông lệ, hơn 20 năm qua, mỗi nước chủ nhà đều có trang phục riêng, đảm bảo theo tiêu chí của APEC, vừa mang tính quốc tế mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2006, trang phục áo dài khăn đóng của Việt Nam để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Đến năm 2017, Việt Nam tiếp tục có được vinh dự đăng cai tổ chức và suốt một năm qua, việc đi tìm trang phục APEC 2017 cũng khiến các chuyên gia trong nước đau đầu.

“Ngay trong 11 thành viên của hội đồng chuyên môn, gồm các nhà ngoại giao và văn hóa, cũng có những ý kiến khác nhau về việc lựa chọn trang phục APEC 2017. Đa phần mọi người đã đánh đồng trang phục APEC với việc chọn quốc phục, trang phục dân tộc, mà quên đi chúng ta phải làm và tuân theo tiêu chí của APEC. Tức là phải đảm bảo trang phục năm sau không được lặp lại những năm trước, không giống trang phục nước nào, cũng không giống trang phục nào mà quốc gia đã có. Mọi người không nắm được tiêu chí, ngay khi Bộ VHTTDL vừa công bố 2 mẫu trang phục đề xuất, đã quay sang trách móc hội đồng tại sao không chọn áo dài, tại sao không tôn vinh trang phục dân tộc? Tôi xin nhắc lại, chúng ta đang thiết kế trang phục cho APEC 2017, chứ không phải là thiết kế quốc phục, lễ phục. Chúng ta cũng kế thừa nhưng phải theo luật chơi quốc tế” - ông Vũ Chí Công - Trưởng khoa Thiết kế thời trang, Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, thành viên Hội đồng tuyển chọn trang phục APEC 2017 - chia sẻ.

Trang phục dành cho các nguyên thủ tham dự Apec 2006.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cũng khẳng định không chọn áo dài làm trang phục APEC 2017, vì “một trong những yêu cầu của cuộc tuyển chọn là không lặp lại bất kỳ một trang phục nào đã có cả. Nếu làm lễ phục hoặc quốc phục chắc chắn chúng tôi sẽ đề xuất áo dài nam và áo dài nữ truyền thống của Việt Nam, nhưng đây là đang chọn trang phục cho APEC 2017”.

“So bó đũa chọn cột cờ”

Một tuần qua, rất nhiều ý kiến cho rằng 2 trang phục được Hội đồng chuyên môn chọn và Bộ VHTTDL trình Ủy ban Quốc gia APEC 2017 quyết định đều thiếu bản sắc Việt, khó nhận ra đâu là bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bởi hai mẫu trang phục của nhà thiết kế Thu Hà và Công ty Thái Tuấn đều mang phom dáng veston, lựa chọn hoa sen là điểm nhấn trong tạo hình, trang trí và dùng hoa sen như một sứ giả văn hóa để chuyển tải thông điệp truyền thống về đất nước, con người Việt Nam.

“Cả hai mẫu trang phục đều hơi tây. Hoa sen cũng không thể đại diện cho văn hóa Việt Nam được, vì nước nào cũng có. Đây còn là quốc hoa của Ấn Độ” - GS-TS Đoàn Thị Tình - một chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về trang phục dân tộc - nêu ý kiến.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành lại cho rằng hai thiết kế được lựa chọn để trình cấp có thẩm quyền vì đều đạt yêu cầu và tiêu chí của sự kiện này, đó là không lặp lại, dễ mặc, tôn vinh văn hóa dân tộc mà vẫn hiện đại và mang tính quốc tế.

Trực tiếp tuyển chọn và hiểu rõ các câu chuyện “bếp núc” trong quá trình đánh giá, tư vấn, ông Vũ Chí Công cho rằng hai mẫu thiết kế mà Bộ VHTTDL đã trình Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cũng chỉ là “so bó đũa chọn cột cờ”. “Ai cũng đòi hỏi tốt, nhưng không có tốt thì chọn làm sao. APEC đưa ra bài toán như thế và đòi hỏi các nhà thiết kế Việt Nam phải giải, phải làm theo đơn đặt hàng của họ, chứ không phải áp đặt suy nghĩ của mình lên họ. Làm tốt hay không còn phụ thuộc vào cái tài của các nhà thiết kế”.

Cũng theo ông Công, mẫu của Công ty Thái Tuấn thì tính dân tộc nằm ở kỹ thuật dệt vải, còn mẫu của NTK Thu Hà là tôn vinh nghề thêu. “Yếu tố dân tộc nằm ở sự đặc biệt của dân tộc đó mà không dân tộc nào làm được, ví dụ nói đến vải batik thì chỉ có Indonesia mới có, lụa là nghĩ ngay đến Trung Quốc. Đó là những cái dù mình đưa vào trong áo sơmi hay áo vest thì tính dân tộc nằm trong đó. Chứ không phải là tôi bắt họ mặc nguyên trang phục truyền thống của đất nước tôi để ra tính dân tộc” - ông Vũ Chí Công nhấn mạnh./.