Năm 2013 là năm bản lề của thể thao Việt Nam và lãnh đạo ngành cần phải có sự thay đổi quyết liệt để có sự chuẩn bị dài hơi, hiệu quả cho một loạt những sự kiện trọng đại trong tương lai gần và xa – đó là khẳng định của ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Bởi trong năm 2013, thể thao Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ tham gia và đạt thành tích tốt tại SEA Games, tổ chức ở Myanmar, mà còn phải chuẩn bị hiệu quả về mặt lực lượng VĐV khi tham dự các kỳ Olympic và Asiad sắp tới, đặc biệt là Asiad 2019 diễn ra tại Việt Nam. Có rất nhiều thách thức và vấn đề cần giải quyết đối với ngành thể thao nước nhà trong năm quan trọng này.

Theo ông Vương Bích Thắng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã quyết định chi gần 600 tỉ đồng cho thể thao Việt Nam năm 2013, trong đó hơn 146 tỉ để chuẩn bị cho SEA Games 27 vào cuối năm. Với sự đầu tư mạnh mẽ như vậy, thể thao Việt Nam cần có sự đột phá trong năm 2013.

Trên thực tế, ngành đang tiến hành những bước đi cần thiết để thực hiện. Đầu tiên là việc áp dụng 8 nhóm giải pháp khoa học, gồm chuyên môn, quản lý, y học, sinh học, dinh dưỡng, hồi phục, tâm lý giáo dục, công nghệ thông tin đối với các đội tuyển quốc gia; triển khai 3 đề án chính sách dành cho VĐV, trong đó có chính sách đặc thù, dinh dưỡng và khen thưởng.

thethaobai.jpg
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games (ảnh minh họa)

Theo đó, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ rà soát công tác đào tạo trẻ của 63 tỉnh, thành và 2 ngành (công an, quân đội), triển khai chiến lược đào tạo trẻ chung, chuẩn bị lực lượng cho Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2019 trên quê hương.

Mặt khác, ngành cũng chú trọng tới công tác phát triển thể thao quần chúng. Ông Vương Bích Thắng nêu rõ, mục tiêu không thay đổi của ngành là phải “đi đều 2 chân”: “Mục tiêu tối quan trọng của ngành Thể dục Thể thao là bảo vệ và nâng cao sức khỏe, thể chất của con người Việt Nam. Mặt khác, ngành cần phát triển các môn thể thao thành tích cao, chuẩn bị tốt lực lượng VĐV để đảm bảo đạt thành tích tốt tại các kỳ Olympic và ASIAD”.

Rõ ràng, chúng ta đã có những chuyển hướng trong cách tiếp cận với SEA Games và đặt ra mục tiêu cụ thể ở các đấu trường cao cấp hơn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, một trong những thách thức đầu tiên của ngành Thể dục Thể thao cần được giải quyết, đó là vấn đề phân cấp, phân ngành.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo về chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2020 mới đây, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 nêu rõ: “Cần phân cấp, phân ngành rõ ràng cho ngành thể thao để tiến hành các nghị quyết của Đảng, của ngành. Chính các đồng chí lãnh đạo ngành ở địa phương là nơi quyết định việc triển khai chiến lược đào tạo VĐV trẻ hay thành tích cao. Nhưng nếu họ không thể nói lên những ý kiến của mình một cách trực tiếp với Bí thư, Chủ tịch tỉnh thì đó là vấn đề đáng lo ngại”.

Theo chiến lược phát triển đề ra, ngành đã phân ra 5 nhóm thể thao, bao gồm nhóm các môn có khả năng đoạt HCV SEA Games, ASIAD 2014 và Olympic 2016; nhóm 8 môn thuộc hệ thống Olympic; nhóm có HCV SEA Games, ASIAD nhưng không thuộc hệ thống Olympic; nhóm tiềm năng và nhóm thể thao Việt Nam có dấu hiệu tụt hậu. Căn cứ vào đó, ngành sẽ có kế hoạch đầu tư khác nhau. Vấn đề đặt ra là đầu tư như thế nào và kế hoạch đầu tư cụ thể ra sao.

Từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết, cần sớm có kế hoạch về đầu tư lực lượng, cơ sở vật chất với các mức đầu tư rõ ràng. Ví dụ như việc mức ăn dành cho các VĐV trẻ chỉ bằng 1 nửa VĐV lớn tuổi là không hợp lý. Bởi ngoài khối lượng dinh dưỡng để có sức khỏe thực hiện các bài tập, các em còn cần dinh dưỡng để tiếp tục phát triển thể chất.

Ở khía cạnh khác, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, cũng nhấn mạnh việc lãnh đạo ngành cần nhất quán về chiến lược và mục tiêu thành tích tại ASIAD và Olympic.

Chế độ dinh dưỡng của các VĐV cũng là điều mà các nhà lãnh đạo cần quan tâm

“Chủ trương chỉ “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, chỉ nên lựa chọn 1-2 môn thể thao phù hợp với thể chất của người Việt Nam để tham dự Olympic là không công bằng, bởi như vậy chúng ta không thực hiện được nghị quyết của Đảng, của ngành là hội nhập với thể thao quốc tế và phát triển cả 2 chân” - ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết.

Thực tế như nhiều chuyên gia thể thao Việt Nam thừa nhận, thách thức của thể thao nước nhà không chỉ nằm ở việc phân định nhóm, môn ưu tiên đầu tư, mà quan trọng hơn cả là làm thế nào và ai sẽ làm. Thể thao Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ như mong đợi có lý do cơ bản là vì nguồn nhân lực kém và thiếu nhân sự giỏi, kế cận.

Thách thức và tồn tại của thể thao Việt Nam đã hiển hiện rõ. Mục tiêu và nhiệm vụ của thể thao Việt Nam từ nay đến năm 2020, trong đó có tiêu điểm ASIAD 18 năm 2019 tại Việt Nam là rất rõ ràng. Nếu muốn thành công, ngay từ năm bản lề này, thể thao Việt Nam dứt khoát phải có bước đột phá mạnh mẽ, như người đứng đầu ngành đã khẳng định./.