Tại Rio 2016, thể thao Việt Nam đã đặt một dấu mốc lịch sử khi VĐV Hoàng Xuân Vinh mang về tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Tấm HCV đầu tiên kể từ khi dự tranh đấu trường ở đẳng cấp cao nhất đã cải thiện đáng kể vị trí của đoàn thể thao Việt Nam trên bảng thành tích chung và có thể nói chúng ta đã có kỳ Đại hội thành công dù Olympic Rio 2016 còn chưa kết thúc.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016 khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ với 1 HCV và 1 HCB. Tại đấu trường Olympic 2016 thì thành tích của các VĐV tham dự thì không phải VĐV nào tham dự cũng có khả năng tranh chấp huy chương.

xuan_vinh_tthn.jpg
Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV và 1 HCB ở Olympic Rio 2016 (Ảnh: Getty).

Trong đó chỉ có một vài môn trọng điểm và 1 số nội dung trọng điểm thì bắn súng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hai tấm huy chương này có thể nói lên 1 điều rằng, Việt Nam có thể đầu tư mạnh những nội dung có thể tranh chấp được, trong đó có môn bắn súng”.

Ngay sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã nhấn mạnh, kết quả giành được tại Rio 2016 cũng cho những người làm thể thao một niềm tin, trong điều kiện còn chưa được như ý nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng ta tìm được những VĐV giỏi, những người thầy giỏi và có cách làm phù hợp thì chúng ta vẫn có thể giành được thành tích cao.

Ông Trần Đức Phấn cho biết: “Thành tích của Hoàng Xuân Vinh đã được dự báo trong những năm vừa qua. Vì vậy, tiếp tục đầu tư như thế nào cho bắn súng là vấn đề cần được tính toán. Vấn đề thứ hai, Việt Nam cần có một trường bắn chuẩn để giúp cho các VĐV, không chỉ tốp đầu như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Lê Thị Hoàng Ngọc mà cả những VĐV phía sau nữa. Nhưng, chúng ta còn nhiều hạn chế, hạn chế về trường bắn, về súng đạn, vì vậy chúng ta tiếp tục phải đầu tư cho các môn, trong đó có môn bắn súng. Chúng ta phát huy tinh thần mà chúng ta đã có tại Olympic lần này, để tiếp tục đầu tư, không chỉ nội dung của Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường mà cả những nội dung Olympic khác”.

Từ chủ trương đến hiện thực là một quá trình và không phải sự đầu tư lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngay ở Olympic Rio 2016, bên cạnh thành công rực rỡ của bắn súng, chúng ta cũng đã chứng kiến thất bại nặng nề của đội tuyển cử tạ, dù trước đó các lực sỹ thi đấu xuất sắc tại giải Vô địch thế giới, là một trong những niềm hy vọng giành huy chương và được tập huấn dài ngày tại Mỹ nhưng đã hoàn toàn trắng tay. Hay kình ngư Ánh Viên, đã không đạt được mục tiêu vượt qua chính mình, khi thành tích còn kém khá xa những gì tốt nhất mà cô từng làm được, tại những giải đấu quốc tế trước đây.

HLV Đặng Anh Tuấn của đội tuyển bơi cho rằng: “Cái quan trọng nhất là VĐV, ý thức của VĐV, ý chí của VĐV là điều đầu tiên, tiếp đó là HLV, là sự đầu tư của các cấp lãnh đạo. Có một hệ thống như vậy thì nó sẽ tiến. Không có ai mới tập đỉnh cao 4 năm để vươn lên tầm thế giới cả, rất hiếm, nhất là khi mình là người Đông Nam Á”.

Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh là chưa đủ để nâng tầm cả một nền thể thao, nhưng nó là cơ sở và là động lực cho một quyết tâm mới. Động thái đầu tiên là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo Tổng cục TDTT, trong đó, ông  yêu cầu, ngay sau khi đón đoàn thể thao từ Olympic về, Tổng cục cần có cuộc họp để  rút kinh nghiệm.

Trước mắt, chúng ta cố gắng ở các giải đấu trong khu vực như ABG5, ASIAD, SEA Games... để có thể lặp lại chiến thắng lịch sử như VĐV Hoàng Xuân Vinh đã làm được, mang lại vinh quang cho đất nước. Những kết quả vừa rồi tạo cho chúng ta một niềm tin, tin rằng chúng ta sẽ làm cho nền thể thao Việt Nam có được thành tích ngang bằng hoặc tốt hơn, trong khu vực là điều đương nhiên, nhưng hơn nữa là vươn ra thế giới.

Ngành TDTT cũng phải ngồi lại, bàn bạc xem đầu tư theo quy hoạch môn nào là thế mạnh có lợi thế so sánh để đầu tư và những nơi tốt nhất ở Việt Nam phải dành cho VĐV Việt Nam tập luyện./.