Những ngày này, người dân Việt Nam đi đâu cũng tự hào và râm ran nói về tấm Huy chương vàng và bạc Olympic của Việt Nam do một vận động viên làm nên. Người làm nên kỳ tích này chính là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh – đoạt Huy chương vàng và Bạc ở môn bắn súng.

Đến hôm nay, khi những vầng hào quang quanh tấm huy chương vàng, bạc đã bớt nóng, cũng là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại việc đầu tư cho thể thao thành tích cao.

Rõ ràng, nhiều năm qua, thể thao Việt Nam chưa được đầu tư xứng đáng nên không thu hút được sự tham gia cống hiến của toàn xã hội, không thu hút được người có tài năng.

Thực tế, hiếm có người sống được bằng nghiệp thể thao và gắn bó với nó lâu dài. Nhiều người chỉ coi thể thao thành tích cao như một thú vui giải trí, còn kiếm sống phải bằng nghề khác, thậm chí lấy cái nghề khác đó là nguồn chính để nuôi dưỡng đam mê thể thao của mình.

hxv_sfzx.jpg
Tấm huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio - niềm tự hào của thể thao Việt Nam.

Ngoài những lý do trên cộng với việc đầu tư cho thể thao thành tích cao ở Việt Nam vẫn theo kiểu “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Công chúng hầu như chỉ tập trung vào một vài môn thể thao, đặc biệt là bóng đá chứ mấy ai biết đến bắn súng, thể dục dụng cụ… Nhiều vận động viên các môn thể thao khác cảm thấy rất tủi thân khi so sánh sự quan tâm đầu tư, sự ủng hộ của khán giả với bộ môn của mình. Bản thân môn bắn súng, trước khi đoàn thể thao Việt Nam lên đường dự thi Olympic, mấy người biết Hoàng Xuân Vinh là ai?!

Và một thực tế nữa, chế độ đãi ngộ với các vận động viên đạt thành tích cao trong thể thao cũng khá buồn tẻ. Nhiều vận động viên đỉnh cao đạt thành tích tốt ở các đấu trường quốc tế nhưng hết tuổi thi đấu họ lại có cuộc sống khá “hẩm hiu”, buồn tẻ.

Chính vì những lẽ trên nên nhiều người làm cha mẹ “khá ác cảm” với thể thao chuyên nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến quan niệm về chọn ngành, chọn nghề cho con em họ. Có mấy người làm cha mẹ động viên con mình theo nghiệp thi đấu từ tấm bé? Đến bây giờ, quan niệm của rất nhiều bậc phụ huynh, con cái giỏi phải đi theo các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, y khoa… Còn với các môn thể thao chỉ để giải trí, vui vui, thư giãn khi học tập quá căng thẳng. Nếu một gia đình có con đoạt giải quốc gia một môn nào đó chắc chắn sẽ tự hào hơn một tấm Huy chương vàng quốc tế trong một môn thể thao.

Và một vấn đề nữa liên quan vấn đề này là thái độ ứng xử của chính quan chức ngành thể thao. Báo chí đã không dưới một lần nói về chuyện nhiều người lợi dụng những dịp thi đấu ở nước ngoài “trà trộn” vào Đoàn thể thao để ra nước ngoài du lịch. Bởi nhiều người trong số họ có quyền quyết định “cho” ai được đi, ai phải ở lại, dành ưu ái cho bản thân, coi đây là một chuyến du lịch khám phá thế giới.

Ngay tại Olympic lần này, rà soát sơ qua danh sách cũng đã thấy vài ba người trong đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic không đúng thành phần, không đúng chức năng nhiệm vụ, trong khi những người là Huấn luyện viên, bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho vận động viên phải ngồi nhà vì không có kinh phí!

Ở một giải đấu khốc liệt như Olympic cần những người có chuyên môn sâu để giúp đỡ VĐV thì Đoàn thể thao Việt Nam lại có những người “có cũng như không” chẳng trưng dụng được vào việc gì

Theo phản ánh của báo chí, trong tổng số 23 VĐV Việt Nam dự Olympic Rio 2016, có rất nhiều người phải “đơn thương độc mã” tranh tài tại Brazil mà không có HLV hay bác sỹ đi cùng để hỗ trợ. Đoàn Thể thao Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này. Nhưng dù có giải thích, giãi bày kiểu gì thì dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao trong số những người đi có những người không có chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn vẫn có mặt, trong khi huấn luyện viên và bác sĩ chăm sóc lại rất cần người có chuyên môn chuyên biệt?

Tấm huy chương vàng, bạc của Hoàng Xuân Vinh và thứ hạng của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 đang diễn ra chưa đủ để khẳng định nền thể thao Việt Nam đã được đầu tư bài bản, có chiến lược và phát triển bền vững. Cần lắm cách nhìn có tâm, có tầm đối với thể thao nước nhà, đặc biệt là thể thao thành tích cao./.