1. Pha bóng Robben thoát xuống ở phút 37, buộc thủ thành Szczesny phạm lỗi và phải nhận thẻ đỏ trực tiếp chính là ngước ngoặt của trận đấu khiến nó trở nên “thật buồn tẻ” như HLV Wenger nói sau trận.
Càng xem đi xem lại tình huống ấy người ta lại càng thấy sự tinh quái của ngôi sao bên phía Bayern Munich. Đấy không hẳn là một pha đỡ bóng tốt của Robben, bóng hoàn toàn có thể bật ra khỏi tầm với của tiền vệ người Hà Lan. Chưa kể, anh còn bị bủa vây bởi vài hậu vệ Arsenal đang lao vào áp sát. Nói tóm lại, đấy là một pha bóng chưa chắc Robben đã giành phần thắng, nếu nó tiếp diễn một cách bình thường.
Nhưng cái chân và đà lao ra của Szczesny đã mang đến cho Robben một cơ hội bằng vàng. Và số 10 của Bayern Munich đã xử lý nó một cách hoàn hảo. Sau cú va chạm với Szczesny, Robben lập tức ngã lăn ra sân. Penalty cho Bayern Munich. Dĩ nhiên, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác. Nhưng cái hay của Robben là anh không dừng lại ở đó. Sau khi trọng tài Rizzoli cắt còi, thổi 11m, Robben vẫn không ngồi dậy (như Oezil đã làm trước đó), mà lại càng ôm chân đập đất như thể rất đau đớn. Thế là ông vua sân cỏ người Italy sau gần chục giây chưa rút thẻ (từ khi thổi phạt đền) đã quyết định truất quyền thi đấu của Szczesny.
2. Cựu trọng tài nổi tiếng Graham Poll đã cho rằng: người đồng nghiệp của mình mắc sai lầm khi phạt thẻ đỏ Szczesny. Nhưng rõ ràng khó có thể trách Rizzoli. Pha bóng diễn ra quá nhanh, trong khi Robben lại quá khôn ngoan, gây sức ép tác động lên Rizzoli khiến ông này “sập bẫy”.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi sau trận đấu HLV Arsene Wenger ngoài việc tức giận với trọng tài, còn tỏ ra rất ấm ức với Robben. “Giáo sư” đã thẳng thừng nói số 10 của Bayern Munich là kịch sĩ: “Tôi nghĩ thủ môn của chúng tôi đã lao ra rất hợp lý. Cậu ấy đã va chạm, nhưng Robben mới là người tác động nhiều hơn. Cậu ta có đủ kinh nghiệm trong những tình huống như vậy.”. Thế nhưng, lật ngược vấn đề, chính những phát biểu cả Giáo sư đã phơi bày điểm yếu cố hữu của Arsenal. Đó là CLB này thiếu kinh nghiệm và sự già giơ (không như Robben có đủ kinh nghiệm).
Mùa này, với sự thăng hoa của đội chủ sân Emirates, cụm từ “những đứa trẻ nhà Wenger” đã không còn được nhắc đến nhiều như những mùa giải trước. Nhưng một đối thủ cứng cựa như Bayern Munich đã cho người ta thấy Arsenal vẫn còn thiếu những tố chất để thực sự trở thành một đội bóng lớn. Hay thôi chưa đủ, mà còn phải có cả chất quái, sự ngôn khoan và bản lĩnh thi đấu.
3. Giống như Arsenal, Bayern Munich cũng là tập thể gồm nhiều cầu thủ trẻ (6/11 cầu thủ đá chính ở Emirates dưới 25 tuổi). Nhưng sự khác biệt là Bayern Munich được bổ sung những ngôi sao dạn dày kinh nghiệm kiểu như Robben. Những cầu thủ như vậy có ý nghĩa là chỗ dựa với đội bóng. Ngược lại, Arsenal với triết lí chi tiêu khắc khổ của Wenger trong suốt những năm vừa qua đã không có những mẫu đàn anh như vậy, để giúp phần còn lại trưởng thành. Để rồi đây không biết là lần thứ bao nhiêu CLB thành London gục ngã tức tưởi. Thế nên, thay vì trách người, có lẽ Wenger nên trách mình trước đã!/.