Mùa Giải bóng đá Vô địch Quốc gia V-League 2013 đã đi đến hồi kết thúc. Câu lạc bộ Xi măng Sài Gòn Xuân Thành xin rút khỏi giải đã dẫn đến việc không có đội nào phải xuống hạng.

Hà Nội T&T cũng đã giành chức vô địch trước 1 vòng đấu. Đây cũng là năm đầu tiên Ban tư vấn đạo đức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được thành lập để giúp bóng đá Việt Nam “sạch” hơn. Tuy nhiên, bức tranh của bóng đá nước nhà vẫn chưa có gì đẹp đẽ hơn so với những mùa giải trước.

Ngay từ đầu mùa giải, trong trận tranh Siêu cúp Quốc gia năm 2013 diễn ra vào chiều 23/2 trên sân vận động Chi Lăng, chiến thắng khó tin với tỷ số 4-0 của đội chủ nhà trước XMXT Sài Gòn đã khiến các chuyên gia bóng đá và người hâm mộ nghi ngờ. Ngay sau đó, công an đã vào cuộc để điều tra về nghi án bán độ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn không có câu trả lời nào từ Ban tổ chức và vụ việc này đã trôi dần vào lãng quên.

anh-tran-xmhp---slna_1.jpg
Trận V.Hải Phòng - Ninh Bình ở vòng 20 ngày 20/8. Ảnh: Minh Hoàng

Thế rồi, cứ sau mỗi vòng đấu, những tiêu cực lại phát sinh và mang tính hệ thống: từ trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên và cả việc dàn xếp tỷ số trận đấu.

Anh Trần Song Hải, Hội trưởng Hội cổ động viên Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Giải bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta hiện nay chỉ là một giải nghiệp dư được trả lương cao thôi chứ chưa hẳn là chuyên nghiệp. Vì rõ ràng, VFF và VPF chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. VFF cần phải thay đổi tư duy chứ nếu làm như vậy liên tục, người hâm mộ sẽ hiểu, Ban kỷ luật đầu hàng với tiêu cực và không chống lại được tiêu cực. Chúng ta nên đấu tranh chống lại tiêu cực”.

Những người theo dõi các trận đấu ở mùa giải vô địch quốc gia năm nay sẽ thấy rõ hàng loạt những hiện tượng đáng buồn của bóng đá Việt Nam.

Trong trận đấu ở vòng 2 trên sân Thanh Hóa, sau pha va chạm ở đầu hiệp 2, cầu thủ Lê Bật Hiếu đã bóp cổ rất thô bạo với 1 cầu thủ ngoại của đội Đồng Nai. Trọng tài Ngô Quốc Hưng, dù đứng gần và nhìn rõ nhưng đã không có bất cứ hình thức xử phạt nào.

Ngày trong trận đấu giữa SHB Đà Nẵng gặp XMXT Sài Gòn trên sân vận động Chi Lăng ngày 29/3, cầu thủ Đoàn Việt Cường của XMXT Sài Gòn đã khiêu khích và tấn công trọng tài. Trong trận này, huấn luyện viên Trần Tiến Đại của đội này cũng nhiều lần lao vào sân và gây hấn với trọng tài. Còn rất nhiều hành động phi thể thao của các cầu thủ và huấn luyện viên các đội trong mùa giải vô địch quốc gia năm nay gây phản cảm trong dư luận mà trọng tài bỏ qua. Đó là chưa kể đến một số trận đấu rất không bình thường như trận Xi măng The Vissai Ninh Bình – SHB Đà Nẵng ở vòng 8, trận đấu giữa K.Kiên Giang gặp XMXT Sài Gòn ở vòng 19 trên sân Rạch Giá ngày 10/8 vừa qua.

Trận đấu K.Kiên Giang (áo vàng) thắng XMXT Sài Gòn 3-1 vào chiều 10/8. Ảnh: Dương Thu

Về việc tăng giá vé gấp đôi trong trận XMXT Sài Gòn gặp Sông Lam Nghệ An trên sân Thống Nhất ở vòng 20, gây bức xúc đối với cổ động viên của đội bóng xứ Nghệ nhưng Ban tổ chức cũng không có ý kiến gì.  

Theo thông tin chúng tôi nắm được, số khán giả theo dõi các trận đấu được Ban tổ chức báo cáo là không đúng sự thật, thậm chí có nhiều trận, số khán giả được báo cáo tăng… gấp đôi so với thực tế. 

Nhà báo Trần Quang Tuyến, Trưởng Ban thể thao, báo Thanh niên cho biết: “Về góc độ báo chí, chúng tôi rất bức xúc. Đối với mùa giải, chúng ta thấy vẫn còn những tồn đọng, chủ yếu do cách hành xử của Ban tổ chức giải, lãnh đạo VPF chưa thật quyết liệt. Nếu như chúng ta làm một cách quyết liệt, sòng phẳng và nghiêm ngay từ đầu nó sẽ tốt hơn cho bóng đá Việt Nam. Đừng có để xảy ra xung đột, tranh chấp, chúng ta mới lật đật đi giải quyết sẽ không hay đối với bóng đá Việt Nam”. 

Mặc dù nhà tài trợ chính EXIMBANK đã tài trợ 50 tỷ đồng cho các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước mùa giải 2013, nhưng chúng ta vẫn luôn thiếu thốn kinh phí. Chẳng mấy đội bóng tự đi được bằng đôi chân của mình. Hầu hết các Câu lạc bộ bóng đá ở V-League hiện nay đều phụ thuộc vào một doanh nghiệp nào đó, thậm chí cá nhân của ông bầu. Vì vậy, không khó hiểu khi khán giả không được đặt ở vị trí trung tâm trong động cơ thi đấu của các cầu thủ.

Sau 6 tháng được thành lập và hoạt động, Ban tư vấn đạo đức thuộc Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã theo dõi và phát hiện được nhiều tiêu cực. Mặc dù Ban tư vấn đạo đức đã gửi 10 văn bản đến Ban tổ chức giải, nhưng không được phản hồi.

Như giọt nước tràn ly, Ban tư vấn đạo đức khẳng định: “Nếu làm được sẽ tiếp tục làm, hoặc không giải tán, nhất định chúng tôi không làm bù nhìn”. Ông Nguyễn Công Khế, Trưởng Ban tư vấn đạo đức cho rằng, một số trận đấu trong mùa giải vô địch quốc gia năm nay, Ban tổ chức giải và trọng tài đã nhận phong bì của lãnh đạo đội bóng. "Trọng tài là yếu tố quyết định trận đấu. Và chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần. Việc nhận phong bì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu cũng như tính chuyên nghiệp và sức sống của bóng đá.” - ông Nguyễn Công Khế nói.

Với những lùm xùm đã xảy ra trong suốt một thời gian dài vừa qua, có thể khẳng định đây là một mùa thất bại của giải bóng đá Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở vấn đề trọng tài, cầu thủ, Ban huấn luyện các đội bóng, chủ sân, ngay cả Ban tổ chức cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ và có dấu hiệu tiêu cực.

Không biết sau mùa giải này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm với những việc đã và đang diễn ra. Nhưng có một thực tế đáng buồn là chính những tiêu cực đang làm “chết” bóng đá Việt Nam./.