EURO 2020 đã kết thúc vòng đấu bảng với những trận cầu sôi động, hứng khởi và không ít những bất ngờ muôn thủa của trái bóng tròn. Một giải đấu kỳ lạ được diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới và không thể diễn ra đúng thời điểm năm 2020 như tên gọi của nó. Sau nhiều lần cân nhắc thì EURO lần thứ 16 buộc phải chuyển sang năm 2021 – năm mà một giải đấu khác cũng thu hút sự quan tâm không kém của làng hâm mộ túc cầu là Copa America cũng diễn ra ở Nam Mỹ, tạo ra một tình cảnh “no dồn, đói góp” sau một thời gian bóng đá thế giới bị đóng băng vì đại dịch.
EURO 2020 (hay còn được giới truyền thông viết là EURO 2021) cũng tạo nên sự lạ lẫm khi lần đầu tiên trong lịch sử 61 năm của mình, một giải đấu hàng đầu thế giới được tổ chức tại 11 thành phố ở 11 quốc gia khắp châu Âu do đại dịch Covid-19, thay vì ở một quốc gia như thường lệ. Covid-19 từ khi xuất hiện đã làm điêu đứng, xáo trộn toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt của hàng tỷ người dân toàn cầu và trong đó cũng làm cho đời sống bóng đá thay đổi chóng mặt. Mọi huấn luyện viên, cầu thủ, câu lạc bộ đến cổ động viên khắp nơi đã, đang chịu sự ảnh hưởng và sẽ buộc phải thích nghi với một đời sống bóng đá rất khác với trước đây. Cùng với đó, cách thưởng thức bóng đá của người hâm mộ cũng phải thay đổi thói quen khi không phải lúc nào cũng được đến sân bóng để cổ vũ, hoặc tùy ý tụ tập nơi đông người để cùng hò reo với diễn biến của trái bóng tròn.
Ở Việt Nam thời điểm này cũng vậy, khi mà trước đây mỗi một kỳ World Cup hay EURO đến, không khí sôi động thưởng thức bóng đá diễn ra khắp mọi nơi, ở nhiều điểm tụ tập như nhà hàng, quán bar, nơi vui chơi công cộng… nhưng lúc này người hâm mộ cũng phải đành ngồi theo dõi qua tivi ở mỗi gia đình. Mùa EURO này đã không còn nhiều tiếng reo hò ầm ĩ hay tiếng thét lạc giọng “vào, vào…” thường thấy chốn đông người.
Những dấu ấn đa sắc
Giải đấu lần thứ 16 tuy diễn ra trên nhiều thành phố khắp châu Âu nhưng vẫn đem lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng và xúc động dù mới chỉ kết thúc vòng đấu bảng.
Người hâm mộ khắp thế giới không thể nào quên hình ảnh các đồng đội cuống quýt vẫy tay gọi cấp cứu khi Christian Eriksen của ĐT Đan Mạch bất ngờ gục xuống vì đột quỵ trong trận đầu ra quân trước ĐT Phần Lan. Hình ảnh các cầu thủ Đan Mạch đứng vòng tròn tạo không gian cho đội ngũ bác sĩ cấp cứu, với những khuôn mặt lo âu và không ngừng khẩn cầu may mắn cho người đồng đội; các cổ động viên và cầu thủ Phần Lan đứng bật dậy vỗ tay và hô to không ngừng cổ vũ Eriksen từ lúc bị nạn đến lúc được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong vòng vây của đồng đội… đã tạo nên câu chuyện nhân văn đẹp đẽ, để mọi người xích lại với nhau hơn chứ không bởi lẽ bóng đá chỉ có thắng-thua. Và thật hạnh phúc biết bao khi sau đó các bác sĩ đã giành giật lại sự sống cho Eriksen, cũng như sự quả cảm của “Các chú lính chì dũng cảm” đã thi đấu bùng nổ giành chiến thắng ở trận đấu cuối vòng bảng trước ĐT Nga để lọt vào vòng 1/8 sau hai trận thua liên tiếp.
EURO 2020 cũng đã chứng kiến sự xúc động nghẹn ngào với hình ảnh của những ngôi sao luống tuổi vẫn tung hoành cùng các đồng đội vì mầu cờ sắc áo đất nước: Người đội trưởng của ĐT Bắc Macedonia – Pandev với khuôn mặt u buồn khi chia tay đội tuyển quốc gia ở trận đấu cuối vòng bảng trong những cái ôm chặt của đồng đội, dù rất nỗ lực nhưng cũng không thể giúp đội nhà đi tiếp qua vòng bảng. Một “cánh én nhỏ” Lewandowski – sát thủ lừng danh ở giải Bundesliga, với đôi mắt thẫn thờ lúc cuối trận dù đã ghi tới 2 bàn gỡ hòa trước ĐT Thụy Điển cũng không thể gồng gánh đưa Ba Lan vượt qua vòng bảng…
Bóng đá cũng làm run rẩy người hâm mộ với những bàn thắng đẹp mê mẩn của Patrik Schick (CH Séc) từ cự ly hơn 45m, hay cú trivela của Luka Modric (ĐT Croatia) cùng vào lưới ĐT Scotland, mà chỉ có những giây phút xuất thần mới tạo nên được. Đó là những vòng cung tuyệt hảo được tạo nên từ những cảm giác tinh tế của đôi chân và cảm nhận nhạy bén về không gian mang lại.
Vòng đấu bảng cũng chứng kiến những “ông lớn” như Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha phải tới những trận cầu cuối, những giây phút cuối mới chật vật vượt qua vòng đấu bảng. “Chú bé tý hon” Hungary ở bảng đấu tử thần cũng đã làm “Cỗ xe tăng” Đức hốt hoảng với 2 lần vươn lên dẫn trước và suýt làm nên một cuộc địa chấn điên rồ nhất EURO 2020. Hay như sự nghi hoặc khó hiểu mà các cầu thủ Ukraine mang đến cho người xem trong trận đấu trước ĐT Áo, dù đang bị dẫn bàn trước và cơ hội lọt vào vòng trong bị đe dọa nhưng vẫn thi đấu đủng đỉnh như thể họ mới là người đang dẫn bàn.
Tinh thần và thái độ thi đấu trong trận cuối vòng bảng của ĐT Ukraine không xứng đáng với tấm vé vớt vào vòng 1/8 mà họ được hưởng lợi từ kết quả của các bảng đấu khác, mà nên dành cho những cố gắng tích cực hơn từ các đội bóng thiếu may mắn. Cũng như những kỷ lục và 5 pha lập công của Ronaldo chỉ còn mang ý nghĩa cá nhân nếu như nhà đương kim vô địch Bồ Đào Nha không vượt qua được vòng bảng.
Vòng 1/8 đã có đủ 16 đội bóng với những cặp đấu thú vị và gay cấn, tiếp tục hy vọng tạo ra những bất ngờ như cuộc chạm chán giữa các đội mạnh như Anh-Đức, Bỉ-Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha-Croatia. Ở vòng đấu Knock-out tới, đương nhiên sẽ không có chỗ cho những sai lầm, do dự và niềm vui của đội bóng này cũng sẽ là nỗi thất vọng, tiếc nuối của đội bóng khác.
Bóng đá cũng như cuộc sống, cho dù phải thích nghi với hoàn cảnh kỳ lạ trong mùa dịch, vẫn cứ tiếp tục tạo nên sức hấp dẫn vốn có. Tuy vậy, bóng đá sẽ nhạt nhẽo nếu cầu thủ cứ mãi phải thi đấu trên những sân cỏ vắng lặng khán giả. Bóng đá cần bầu không khí cuồng nhiệt, ồn ã từ những khán đài ăm ắp rừng rực sắc mầu. Bóng đá cần hơi thở từ chính không gian mà nó tạo ra, để càng thêm say đắm và cao thượng./.