Cuộc phỏng vấn với Winfrey được ghi hình hồi đầu tuần và sẽ được phát sóng vào ngày 17/1. Tuy nhiên, thông tin từ buổi ghi hình đã rò rỉ ra ngoài. Báo New York Times và Hãng thông tấn AP cho biết Lance Armstrong đã thú nhận sử dụng doping trong cuộc trả lời phỏng vấn này.
Việc nhận tội có thể giúp Armstrong xin giảm bớt mức án cấm thi đấu trọn đời. Armstrong, 41 tuổi, hiện vẫn muốn tiếp tục thi đấu điền kinh ba môn phối hợp và một số cuộc thi chạy nên quyết định nhận tội với hi vọng được giảm án. Ngoài ra, thời điểm nhận tội hiện tại giúp Armstrong tránh được nguy cơ bị kiện đòi lại tiền.
Tượng đài Lance Armstrong đã sụp đổ - Ảnh: AFP. |
Trước đó, Armstrong đã gặp một số quan chức của Cơ quan Phòng chống doping Mỹ (USADA) để đàm phán khả năng giảm bớt án phạt. Một số nguồn tin nói Travis Tygart - người đứng đầu USADA - sẵn sàng giảm án cho Armstrong nếu anh khai nhận những người từng giúp anh dùng doping.
Theo New York Times, Armstrong dự kiến ra đối chất chống lại một số nhân vật cộm cán khác, đặc biệt là một số quan chức của Liên đoàn Đua xe quốc tế (UCI), những người biết về hành vi của Armstrong và từng bao che cho hành vi này. Hiện một số cái tên được nhắc đến là Pat McQuaid - chủ tịch đương nhiệm của UCI và Hein Verbruggen - cựu chủ tịch của UCI - từ năm 1991-2005. Verbruggen cũng là người rất gần gũi với chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Jacques Rogge, người đang là chủ tịch danh dự của UCI. Nếu các quan chức này bị xác định dính chàm, đây có khả năng là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử thể thao.
Ngoài ra, Armstrong còn dự định đối chất tại một phiên tòa liên bang liên quan tới một đội đua cùng được đội Bưu Điện Mỹ (USPS) tài trợ (đây cũng là đơn vị tài trợ cho đội đua của Armstrong tại Tour de France). Armstrong dự kiến sẽ đối chất chống lại vài ông chủ của đội như Thom Weisel và một số nhân vật khác. Để thể hiện thiện chí hợp tác với chính quyền, Armstrong và người đại diện của anh có thể sẽ trả vài triệu USD trong khoản hơn 30 triệu USD tiền tài trợ anh nhận được từ USPS.
Floyd Landis, cựu đồng đội của Armstrong, đưa vụ kiện này ra vào năm 2010 chống lại Armstrong và một số nhân vật chủ chốt khác của USPS. Landis cáo buộc USPS lừa dối chính phủ khi các tay đua của đội sử dụng chất kích thích, vi phạm các hợp đồng thể thao. Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn với Winfrey, Armstrong đã bác cáo buộc mình là người đứng đầu đường dây doping mà cho rằng mình chỉ làm những gì các đồng đội cùng làm.
Trước khi trả lời Winfrey ở Austin (Texas) hôm 14-1, Armstrong đã đến trụ sở của Livestrong, tổ chức từ thiện do anh sáng lập, để xin lỗi các nhân viên ở đây. Armstrong xin lỗi vì đã làm thất vọng mọi người và tạo sức ép lên tổ chức do xìcăngđan doping này. “Cuộc nói chuyện rất xúc động và anh ấy khóc một lúc” - Rae Bazzarre, người phát ngôn của Livestrong, nói với AP.
Tờ ở London, từng mất 500.000 USD (khoảng 10 tỉ đồng) khi bị Lance Armstrong kiện bôi nhọ, đang tìm cách kiện lại Armstrong để đòi số tiền này. SCA Promotions ở Dallas - công ty từng từ chối trả tiền thưởng cho Armstrong ở Tour de France - cũng đang dọa kiện để lấy lại hơn 7,5 triệu USD từ Armstrong. Các nguồn tin nói tài sản của Armstrong hiện khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tài trợ đã chấm dứt hợp đồng tài trợ sau bản báo cáo của USADA khiến tay đua này mất hàng chục triệu USD.
Sau báo cáo của USADA, Armstrong bị cấm tham gia thi đấu các môn thể thao Olympic suốt đời. Quy định của Cơ quan Phòng chống doping thế giới nói án phạt của Armstrong sẽ không được giảm xuống dưới tám năm.
Sự sụp đổ đối với các thần tượng đua xe đạp diễn ra liên tục trong những năm gần đây. Một loạt nhà vô địch Tour de France bị phát hiện sử dụng doping như Floyd Landis và tay đua hai lần vô địch Alberto Contador.
Khi công bố bản báo cáo tháng 10-2012, giám đốc điều hành USADA Travis Tygart nói: “Đây là một ngày buồn đối với tất cả những ai yêu thể thao và những VĐV người hùng của chúng ta. Đây là một ví dụ đau lòng nữa về văn hóa chiến thắng bằng mọi giá. Nếu không kiểm soát, nó sẽ phá hoại tinh thần fair-play, thi đấu an toàn và trung thực”./.
Kẻ lừa đảo quỷ quyệt nhất trong lịch sử thể thao
Trong hơn một thập kỷ, Armstrong luôn lên tiếng bác bỏ các cáo buộc về doping khi viện cớ hàng trăm cuộc thử nghiệm doping chưa bao giờ phát hiện được mình dùng chất kích thích. Chính quyền liên bang Mỹ phải từ bỏ cuộc điều tra của chính mình sau khi không tìm đủ căn cứ.
Chỉ đến khi USADA công bố bản báo cáo 1.000 trang hồi tháng 10-2012, thu thập lời khai từ hơn một chục cựu đồng đội của Armstrong về các thủ thuật dùng chất kích thích và các biện pháp tránh né, USADA mới chính thức ra quyết định tước cả bảy chức vô địch Tour de France của Armstrong. Cho đến lúc đó, Armstrong vẫn lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này, chỉ trích đó là “cuộc săn phù thủy” và nói quá trình điều tra “một chiều và thiếu công bằng”.
Từ một huyền thoại của môn đua xe, người vượt qua căn bệnh ung thư để chiến thắng ở môn thể thao khắc nghiệt, Armstrong trở thành kẻ lừa đảo tệ hại và quỷ quyệt nhất trong lịch sử thể thao.