Thiếu vắng nguyên bộ ba trụ cột Lưu Thị Thanh - Nguyễn Hải Thảo và Nguyễn Thị Bích Thuỳ, những tác giả góp phần không nhỏ viết nên lịch sử vinh quang cho cầu mây Việt Nam trong hơn một thập niên qua, nhưng trước thềm SEA Games 26, BHL và bộ môn cầu mây vẫn mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu giành 1HCV.

cau-may.jpg

Bộ ba trụ cột Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo và Nguyễn Thị Bích Thuỳ (từ trái sang phải)

Đội nữ vẫn “gánh” huy chương?

Sự trẻ hoá lực lượng mạnh mẽ ở mùa giải năm nay khiến nhiều người tỏ ra lo ngại, liệu chỉ tiêu HCV với cầu mây có quá sức? Ở 2 mùa SEA Games gần đây là SEA Games 24 và 25, cầu mây nữ Việt Nam khi đó vẫn đủ đội hình gạo cội,  song kết quả đều không thể đạt mục tiêu đề ra, thậm chí còn bị đánh giá là thất bại.

Tuy nhiên, như TTK Liên đoàn Cầu mây Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hạnh bật mí: “Năm nay, do BTC Đại hội khống chế mỗi đội nam hoặc nữ ở một quốc gia chỉ được đăng ký tham dự 2/3 nội dung. Trong trường hợp lá thăm may mắn, Việt Nam nằm ở bảng nhẹ, lại không có đối thủ mạnh nhất là Thái Lan đăng ký thì “cửa” giành  HCV là  hoàn toàn có thể. Ngoài ra, đội hình trẻ lần này tuy kinh nghiệm không bằng các đàn chị vừa nghỉ, nhưng họ lại có ưu điểm ở sức trẻ, điều này cũng hứa hẹn sẽ có những yếu tố bất ngờ”.

Một trong những cơ sở để giới chuyên môn và các VĐV cầu mây củng cố niềm tin và hướng tới chỉ tiêu HCV chính là kết quả 1 HCV - 2HCĐ mà đội cầu mây nữ vừa đạt được tại giải VĐTG - King’s Cup 2011, kết thúc tại Thái Lan ngày 18/9 ở phần tranh tài dành cho các đội mạnh trên thế giới - ngoại hạng. Ở giải đấu này, BTC cũng quy định, mỗi đoàn chỉ được dự 3/4 nội dung của giải.

Một thuận lợi là Thái Lan rút lui ở nội dung đội tuyển, chỉ còn lại các đoàn: Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc. Đội nữ Việt Nam với đội hình gồm: Lại Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Thuý An (phát cầu), Nguyễn Thị Bạch Vân (chuyền hai), Lê Thị Hạnh, Nguyễn Thị Dung (tấn công) đã xuất sắc lọt vào đến trận chung kết và vượt qua Hàn Quốc, đoạt HCV nội dung đội tuyển. 2 HCĐ còn lại đạt được ở nội dung đá đôi và đồng đội. Trước đó chỉ vài ngày, ở giải cầu mây do Liên đoàn Cầu mây thế giới tổ chức cũng tại Thái Lan, đội tuyển nữ Việt Nam giành HCĐ. 

Trong khi đó, lực lượng nam được xếp ở nhóm giải hạng nhất và không giành được huy chương nào ở cả ba nội dung tham gia.

Thêm đối thủ mới

Trở về từ Thái Lan, ông Nguyễn Xuân Hạnh thông báo: Ở ASIAD 17 - 2014, ngoài Thái Lan là đối thủ nặng ký nhất, khả năng cầu mây Việt Nam sẽ phải đối đầu thêm với một đối thủ khác hiện đang tiến bộ rất nhanh là Hàn Quốc. Năm nay, họ cử lực lượng sang Thái Lan tập huấn, ở hai giải vừa rồi chơi rất tốt. Đội Việt Nam phải thi đấu khá chật vật khi đối đầu, thậm chí có trận còn thua Hàn Quốc. Riêng ở đấu trường SEA Games 26, ông Hạnh nhận định, ngoài Thái Lan, các đội Indonesia, Myanmar cũng sẽ là những đối thủ phải dè chừng.

Sau khi “đổi gió” với hai giải liên tiếp cấp thế giới, trước đó là World Cup vào tháng 7, BHL và Bộ môn cầu mây có thêm cơ sở để chốt danh sách các VĐV đại diện tham gia và nội dung tham dự ở SEA Games 26 để trình lãnh đạo Tổng cục TDTT. Khả năng đội cầu mây sẽ dự với đội hình khoảng trên 10 VĐV cả nam và nữ.

Một bất ngờ nhỏ là sau khi tuyên bố chia tay khi ASIAD 16 kết thúc, gần đây, trong số bộ 3 Thanh - Thảo - Thuỳ, có VĐV đã xin trở lại đội tuyển QG, nhưng vấn đề này hiện chưa được các nhà quản lý thông qua. Bài học về sự níu kéo đội hình qua thất bại ở ASIAD 16 khiến các nhà cầm quân buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng, do đó khả năng xáo trộn đội hình một lần nữa trước SEA Games 26 khó xảy ra.

Có lẽ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian nữa thế hệ trẻ cầu mây nữ Việt Nam mới lại gây được tiếng vang trên đấu trường khu vực và quốc tế, như các đàn chị từng làm. Những sự thay đổi tận gốc rễ là điều cầu mây Việt Nam cần làm.

Tại SEA Games 26, các cuộc thi đấu môn cầu mây diễn ra tại Jakabaring./.