Bên cạnh những người hâm mộ từ Việt Nam sang Hàn Quốc để cổ vũ cho các đội tuyển thể thao Việt Nam tại Asiad 17, đặc biệt là các trận đấu của đội tuyển bóng đá nữ và nam tại Đại hội, có không ít người là những công nhân, kỹ sư người Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc. Tấm lòng thiết tha và sự động viên cuồng nhiệt, vô tư của những người con xa xứ đã góp phần giúp các VĐV Việt Nam được tiếp thêm tinh thần, thi đấu đạt thành tích cao.
Tay cầm biểu ngữ, trên vai khoác cờ Tổ Quốc, đội chiếc nón đặc trưng của dân tộc, chị Trần Thị Hằng, một công nhân đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, rất sôi nổi khi cổ vũ cho các cầu thủ Olympic Việt Nam, nhưng lại tỏ ra bẽn lẽn, thẹn thùng khi được hỏi chuyện đi cổ vũ bóng đá. Chị Hằng thú nhận là có thể hò hét khản cổ vì các cầu thủ, chứ nói vào micro thì "cứ nghẹn cổ, chẳng biết nói sao". “Em đang sinh sống và làm việc ở đây, cũng đã 8 năm rồi. Em rất vui khi được đi cổ vũ cho đội bóng của mình thi đấu. Việt Nam chiến thắng!”.
Khá đông CĐV Việt Nam có mặt tại sân Ansan Wa để cổ vũ cho ĐT Olympic Việt Nam (Ảnh: Trọng Phú).
Chị Trần Thị Hằng chỉ là một trong hàng ngàn nữ công nhân, sinh viên, người lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Mặc dù thời gian eo hẹp, nhưng mọi người vẫn luôn dành khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi để theo dõi tình hình quê hương, đặc biệt là thu xếp thời gian để đi cổ vũ đội tuyển Olympic và đội tuyển nữ thi đấu tại Asiad lần này.
Anh Trương Văn Quang, quê Thái Bình cho biết, không phải dễ dàng để có thể đồng loạt xin nhà máy cho phép nghỉ để đi cổ vũ bóng đá. Thế nên, sau khi bỏ lỡ cơ hội chứng kiến Olympic Việt Nam giành chiến thắng, mọi người đã đề nghị lãnh đạo công đoàn đặt vấn đề với chủ nhà máy cho người lao động Việt Nam đi xem trận bóng đá giữa tuyển nữ Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc).
“Khi đội tuyển Việt Nam sang đây thi đấu, những người con Việt Nam xa quê hương đều cảm thấy rất là vui, hào hứng và cổ vũ hết mình. Các trận đấu ở trong nước thì chúng em chỉ có thể theo dõi qua truyền hình trên mạng, còn khi đội bóng sang đây thì đó là dịp quý hóa nên phải sắp xếp thời gian để đi xem thi đấu”, anh Quang chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Minh Thắng, cũng đã sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc được 4 năm, cho biết cứ mỗi lần tới sân để cổ vũ cho đội bóng Việt Nam, và chứng kiến lễ cử hành quốc ca, quốc thiều, cảm giác hạnh phúc, tự hào lại trào dâng.
Trần Long Giang, một đồng nghiệp của anh Minh Thắng, tự hào khoe từng là CĐV của đội Sông Đà - Nam Định trước kia và đã tới nhiều sân đấu trong cả nước để cổ vũ cho đội bóng quê hương. Giờ đây, khi ra nước ngoài làm việc, nhưng tình yêu với bóng đá và các đội bóng quê hương vẫn không thay đổi.
“Cảm giác của em đúng là nhớ nhà lắm, vì xa quê hương cũng đã lâu. Hôm nay, công ty cho nghỉ thì chúng em tổ chức đoàn đi cổ vũ. Đến đây thấy là anh em cổ vũ đội tuyển Việt Nam rất nhiệt tình. Sang đây mặc dù làm việc vất vả, nhưng mỗi khi có đội bóng thi đấu, chúng em lại tổ chức đi cổ vũ”, anh Long Giang nói.
Những câu chuyện, tâm sự của các cổ động viên - người lao động Việt Nam xa quê đứt đoạn trong tiếng reo hò cổ vũ của người hâm mộ. Nhưng có một điều chắc chắn, tinh thần mà họ dành cho các đội bóng đã trở thành cây cầu nối liền mạch tình cảm giữa Tổ quốc với những người con xa xứ./.