Taliban trở lại nắm quyền trong bối cảnh đất nước chịu tàn phá trong nhiều năm bởi chiến tranh và khủng bố, cộng thêm các lệnh trừng phạt mới từ phương Tây và cũng chưa được quốc tế công nhận. Một năm “Ngày Tự do”, dù đã có một số cải thiện, song thách thức với đất nước Afghanistan dưới thời Taliban là không hề nhỏ.

Đêm qua (30/8), rạng sáng nay, pháo hoa đã thắp sáng khắp bầu trời thủ đô Kabul, Taliban kỷ niệm “Ngày Tự do” lần đầu tiên, đánh dấu một năm ngày binh sĩ Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi Afghanistan - đất nước không còn một binh sĩ nước ngoài nào đồn trú.

Bộ Lao động Afghanistan cũng cho biết, hôm nay là một ngày nghỉ lễ của toàn dân.

Nhân dịp này, truyền thông quốc tế cũng đã dành nhiều sự quan tâm để viết về cuộc sống của người dân Afghanistan dưới thời Taliban trong một năm qua.

Tờ Thời báo Tài chính của Mỹ cho biết, các tuyến đường trên khắp đất nước Afghanistan đã trở nên an toàn hơn dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban. Đánh bom, bắt cóc, trộm cắp,… đã không xảy ra thường xuyên như trước. Bởi thực tế, Taliban đang coi an toàn đường bộ như một ưu tiên, là “mạch máu” để phát triển kinh tế, xã hội. Lực lượng Taliban được phủ khắp các tuyến đường thay vì việc bố trí lực lượng cảnh sát “mỏng” như trước đây.

Nhiều tờ báo phương Tây quan tâm đến quyền con người tại Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Nhiều bài báo cho rằng Taliban đã vi phạm nhiều quyền tự do của phụ nữ, quyền được học hành của trẻ em. Nhưng theo cách lý giải của người phát ngôn Bộ Tuyên truyền đức hạnh và ngăn ngừa thói xấu Afghanistan Akif Mahajar, các quyền của phụ nữ và trẻ em được quy định theo luật hồi giáo và nó không hề bị cấm tại Afghanistan: “Tôi phải nói rằng, đạo Hồi cho phép phụ nữ, trẻ em gái đi học; cho phép họ được làm việc. Đạo Hồi cho phép, sao chúng tôi được quyền cấm. Thực tế, nhiều trẻ em gái không được đến trường; đơn giản là chúng tôi chưa có các tòa nhà, cơ sở vật chất phục vụ riêng cho họ”.

Nhiều tổ chức nhân quyền vẫn có thể mở các lớp học cho bé gái tại thủ đô Kabul, các thư viện dành riêng cho phụ nữ vẫn đang được dựng lên. Phụ nữ và đàn ông được chia ngày trong tuần để tới công viên,…. cho thấy Taliban vẫn đang cố gắng thực hiện lời hứa của họ 1 năm về trước về quyền phụ nữ khi tiếp quản đất nước, dù chưa đạt được quá nhiều tiến bộ.

Thách thức với Taliban và đất nước với Afghanistan là “vô cùng lớn”. Kinh tế Afghanistan bị cấm vận, chính quyền Taliban chưa được quốc tế công nhận, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố IS, Al Qaeda luôn rình rập, cộng thêm phải đối phó với những thảm họa thiên tai, lũ lụt kinh hoàng. Một quan chức cấp cao Taliban vừa mới phải đưa ra lời kêu gọi quốc tế viện trợ khẩn cấp: “Hơn một triệu gia đình cần viện trợ khẩn cấp từ nước ngoài, chẳng hạn như quần áo, lều trại và thực phẩm. Sau trận động đất và lũ lụt gần đây, chúng tôi cũng phải đối mặt với nhiều loại bệnh khác nhau, nguyên nhân là do thiếu nước sạch”.

Đầu tuần này, Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, đồng thời đề nghị Taliban xây dựng một lộ trình cụ thể, rõ ràng và minh bạch để cải thiện tình hình trong nước. Sau 1 năm, đất nước Afghanistan vẫn ngổn ngang nhiều thách thức./.

Mỹ không thay đổi nổi Taliban ở Afghanistan?

VOV.VN - Dùng hết “roi vọt” đến lời thuyết phục ngon ngọt, Mỹ vẫn không thay đổi được bản chất của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban tại Afghanistan, sau bao nhiêu năm trời ròng rã, với bao tiền bạc, xương máu.