Tờ “The Guardian” ngày 16/10 dẫn lời các nghị sĩ cấp cao đảng Bảo thủ cầm quyền cho biết sẽ nhóm họp vào ngày 17/10 để thảo luận về một "sứ mệnh giải cứu" sau một loạt quyết sách gây tranh cãi của Thủ tướng Liz Truss. Kế hoạch đưa ra sau khi tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt bác bỏ kế hoạch kinh tế của nhà lãnh đạo này và báo hiệu một thời kỳ thắt lưng buộc bụng mới ở Anh.
“Điều mọi người muốn hơn bất cứ điều gì khác là sự ổn định và theo quan điểm của tôi, đó cũng chính là những gì một Thủ tướng nên làm. Chúng ta không thể kiểm soát thị trường và không một Thủ tướng nào nên tìm cách làm điều đó. Trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức như hiện nay, chúng ta sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về chi tiêu. Chúng ta sẽ không thể cắt giảm thuế nhanh như chúng ta muốn và một số loại thuế sẽ phải tăng lên”, ông Hunt nói.
Thủ tướng Liz Truss trước đó hồi giữa tuần đã phải thừa nhận gói “Ngân sách nhỏ” công bố hôm 23/9 là nguyên nhân gây ra những bất ổn gần đây trên các thị trường và buộc phải đảo ngược quyết định giảm thuế gây tranh cãi.
“Gói ngân sách nhỏ đã đi xa hơn và nhanh hơn những gì thị trường mong đợi. Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là phải thay đổi và hành động để trấn an thị trường về kỷ luật tài khóa của chúng ta. Do đó, tôi đã quyết định giữ nguyên việc tăng thuế doanh nghiệp đã được chính phủ trước đó lên kế hoạch. Tôi đã hành động dứt khoát ngày hôm nay vì ưu tiên của tôi là đảm bảo sự ổn định kinh tế của đất nước. Với tư cách là Thủ tướng, tôi sẽ luôn hành động vì lợi ích quốc gia. Đây luôn là cân nhắc đầu tiên của tôi”, bà Truss nhấn mạnh.
Tuy nhiên quyết định lại có nguy cơ khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Theo Giám đốc điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Make UK, ông Stephen Phipson, Vương quốc Anh cần khẩn cấp một chiến lược kinh tế và công nghiệp dài hạn, đáng tin cậy để thúc đẩy đầu tư, thay vì tiếp tục chạy ngoằn nghèo từ chính sách này sang chính sách tiếp theo. Các thị trường cũng ngay lập tức phản ứng trước quyết định “quay xe” của Thủ tướng Liz Truss khi đồng bảng Anh quay đầu giảm nhẹ.
Bất ổn tài chính liên quan đến các chính sách điều hành kinh tế của Thủ tướng Liz Truss trong thời gian vừa qua đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ giảm mạnh. Bà không chỉ bị Công đảng đối lập chỉ trích nặng nề mà còn gây chia rẽ ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ muốn bà Trút từ chức trong vài ngày tới, số khác cảnh báo đảng cầm quyền sẽ đánh mất quyền lực nếu lật đổ lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.
Từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu năm 2016, 3 thủ tướng đã ra đi và bà Liz Truss có nguy cơ trở thành người thứ 4 nếu không tìm được cách cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế để xoa dịu các nhà đầu tư. Chính phủ và vị tân Bộ trưởng Tài chính mà bà vừa bổ nhiệm sẽ chỉ có 2 tuần để quyết định làm thế nào để lấp đầy một "lỗ đen" lên tới hàng chục tỷ bảng Anh trong ngân sách tài chính công./.