Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả Moscow và Kiev đều chịu nhiều thiệt hại về quân số và tài sản. Nhiều thành phố ở Ukraine đã biến thành đống đổ nát. Chiến sự cũng khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong khi Nga giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông Ukraine, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Moscow. Tuy nhiên, Nga vẫn có tiềm lực quân sự mạnh mẽ. Trong những tuần gần đây, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 dường như đang bước vào giai đoạn căng thẳng hơn. Business Insider đã chỉ ra những diễn biến về chiến sự Nga – Ukraine có thể xảy ra trong thời gian tới.
Lệnh ngừng bắn
Theo Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đi đến giai đoạn bế tắc, có thể sẽ có lệnh ngừng bắn tạm thời được đưa ra.
“Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn không có nghĩa là cuộc xung đột sẽ kết thúc. Điều đó sẽ giúp hạ nhiệt chiến sự, ít nhất là tạm thời, tiến gần đến một cuộc xung đột đóng băng có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt tùy thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Jones cho hay.
Chuyên gia Jones đưa ra dẫn chứng về hai cuộc Chiến tranh Chechnya xảy ra vào những năm 1990. Nga đã đàm phán về một lệnh ngừng bắn vào năm 1994, giúp chấm dứt Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất. Tuy nhiên, 3 năm sau, Chiến tranh Chechnya lần thứ hai lại nổ ra với các cuộc tấn công dữ dội hơn.
Vào tháng 10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán lệnh ngừng bắn “sớm nhất có thể”.
“Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tình hình trở nên tồi tệ và phức tạp hơn”, ông Cavusoglu nói. Theo ông, lệnh ngừng bắn cần được hai bên thiết lập càng sớm càng tốt, nhưng phải dựa trên toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Thỏa thuận hòa bình
Cuộc xung đột cũng có thể sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, dù việc hòa đàm giữa Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại là rất khó khăn do các mục tiêu của hai bên khác nhau.
“Tổng thống Vladimir Putin đã dành ra quá nhiều nguồn lực quân sự để có thể chấm dứt chiến dịch quân sự mà không đạt được những thành công nhất định”, ông Jones nói.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu Ukraine có sẵn sàng từ bỏ điều gì để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga hay không. Chuyên gia Jones nhận định rằng, sẽ là “hành động tự sát về mặt chính trị” đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở Ukraine nếu cho đi bất kỳ vùng lãnh thổ nào ở Kiev để đạt được đàm phàn hòa bình.
Vào cuối tháng 10, Nga đã lên tiếng về khả năng đàm phán với Ukraine. Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ phía Ukraine về một cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với ông Putin, nhưng vẫn để ngỏ đối thoại với tổng thống khác của Nga.
Ngày 5/11, Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc giục nhà lãnh đạo Ukraine thể hiện sự cởi mở trong khả năng đàm phán với Nga.
Theo các nguồn tin, yêu cầu này không buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán mà chỉ nhằm bảo đảm Kiev duy trì được sự ủng hộ của các quốc gia khác. Ngoài ra, Mỹ được cho là đã đề nghị ông Zelensky bác bỏ sắc lệnh có nội dung không hội đàm với Tổng thống Putin.
Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine
Khi phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2, Nga tuyên bố chỉ đặt mục tiêu giải phóng Donbass, khu vực gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, vào tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết lực lượng nước này không chỉ tập trung vào Donbass mà còn nhiều nơi khác ở Ukraine, và sẽ vượt khỏi các giới tuyến hiện tại nếu phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Ông Jones cho biết, điều quan trọng là Ukraine đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ngăn chặn Nga giành được nhiều vùng lãnh thổ hơn.
Hiện tại, không rõ Nga có thể xoay chuyển cục diện cuộc xung đột và đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự hay không, nhưng họ có thể chấp nhận một “chiến thắng” dưới hình thức một thỏa thuận hòa bình, trong đó Moscow giành được nhiều lãnh thổ hơn so với trước khi phát động hoạt động quân sự.
Lực lượng Nga rút quân
Chuyên gia Jones nhận định rằng, rất khó có khả năng lực lượng Nga sẽ rút quân hoàn toàn khỏi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Động thái ký sắc lệnh động viên một phần quân đội của Tổng thống Putin, huy động 30.000 quân dự bị để chiến đấu ở Ukraine cho thấy dường như Nga không có dấu hiệu lùi bước trong chiến dịch quân sự, dù nền kinh tế của nước này đang bị tổn hại bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Trong khi đó, người Ukraine tin rằng chiến thắng giành cho họ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Svitlana Morenets, một nhà báo Ukraine làm việc cho tạp chí tin tức The Spectator ở Anh, cho rằng động thái đóng “hành lang ngũ cốc” trên Biển Đen của Nga là một minh chứng cho thấy Nga đang thận trọng trước từng bước tiến của Ukraine.
Quân đội Nga đã đóng cửa “hành lang ngũ cốc” được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine qua Biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga cho hay Moscow đưa ra quyết định như vậy là do Ukraine đã sử dụng tuyến đường này để tiến hành các cuộc tấn công.
Cuộc xung đột kéo dài
Không phải tất cả các cuộc xung đột đều kết thúc với việc một bên giành chiến thắng rõ ràng. Nhà phân tích Jones tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đưa ra một kịch bản rằng, giao tranh giữa Nga và Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm mà không có bất kỳ lệnh ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình nào.
Cuộc xung đột có thể tiếp diễn với việc Ukraine phản công tại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát hoặc Nga sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Ukraine.
Trong giai đoạn hiện tại, xung đột Nga – Ukraine đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao, đòi hỏi các bên phải có khả năng cầm cự, duy trì thế trận lâu hơn. Thay vì giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ, mục tiêu của Nga ở thời điểm này là làm suy yếu các nguồn lực, nền kinh tế và quân đội của Ukraine.
Theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Tướng Sergei Surovikin - Tư lệnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga có kế hoạch xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc trong các vùng lãnh thổ giành được từ Ukraine và “đóng băng” cuộc xung đột trong suốt mùa đông.
Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, Nga sẽ không tìm cách bắt đầu bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn mới nào vào lãnh thổ Ukraine vào thời điểm này và sẽ dành thời gian để tăng cường khả năng chiến đấu.
Chiến tranh hạt nhân hoặc sự can thiệp của NATO
Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Khi sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả loại vũ khí để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải một trò lừa bịp”, ông Putin nói trong tuyên bố sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine vào Nga hồi tháng 9.
Theo ông Jones, có những rủi ro lớn liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là nếu Tổng thống Putin triển khai ở những vùng lãnh thổ mà ông tuyên bố là của Nga. Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể sẽ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào đối với Nga.
“Có rất nhiều rủi ro liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân, về mặt chính trị và ngoại giao. Mỹ đã tuyên bố rằng sẽ có biện pháp đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Jones nói.
Trong khi đó, vẫn chưa rõ liệu NATO sẽ có phản ứng ra sao trước kịch bản Nga tấn công hạt nhân. Trước đó, một quan chức cấp cao của NATO cho biết, cuộc tấn công hạt nhân của Nga gần như chắc chắn sẽ dẫn tới phản ứng đáp trả từ các đồng minh của Ukraine và có khả năng từ NATO.
Tuy nhiên, ông Jones cho rằng việc NATO gây chiến với Nga có thể tạo ra một cuộc xung đột lớn, kéo theo nhiều bên tham gia hơn. Để tránh viễn cảnh này xảy ra, trước tiên NATO có thể sẽ tăng cường trừng phạt Nga và cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.
Gần đây nhất, hôm 5/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là thấp, dù liên minh rất thận trọng về nguy cơ đó vì “hậu quả của cuộc tấn công hạt nhân sẽ rất tàn khốc”./.