“Ngôi nhà cho Ukraine” có nguy cơ sụp đổ
Theo báo chí Anh, kế hoạch “Ngôi nhà cho Ukraine” hiện có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, Anh không phải là nước duy nhất không thực hiện được những lời hứa của mình với người tị nạn Ukraine mặc dù vẫn chi hàng tỷ USD viện trợ vũ khí cho Kiev.
Kế hoạch “Ngôi nhà cho Ukraine” được Vương quốc Anh thiết lập với thời hạn 6 tháng. Điều này có nghĩa là khi chương trình hết hạn, nhiều người tị nạn Ukraine có thể không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Hồi tháng 10, truyền thông Anh cho hay, khoảng 1/3 số gia đình Ukraine mất nhà ở đã tới Anh nhận thấy rằng thỏa thuận tiếp nhận họ bị sụp đổ. Mặc dù một số chính quyền địa phương ở Anh đã nhận ra vấn đề và hỗ trợ họ tiền đặt cọc hoặc tiền thuê nhà tháng đầu tiên, nhưng cũng có nhiều địa phương không đưa ra bất kỳ hình thức hỗ trợ nào.
Kể từ khi được thiết lập ngày 14/3, “Ngôi nhà cho Ukraine” đã cung cấp chỗ ở cho hơn 100.000 công dân Ukraine tị nạn ở Anh. Tuy nhiên, chương trình này gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức từ thiện tại Anh đã cảnh báo từ rất sớm rằng các hướng dẫn của chính phủ đã gây hiểu lầm và khiến người tị nạn Ukraine kỳ vọng quá nhiều.
Những người mới đến gặp khó khăn trong việc xin thị thực, trong khi hàng trăm gia đình không có nơi ở tại Anh sau khi đến đây mặc dù được hứa hẹn sẽ có nơi ở. Trẻ em Ukraine được hứa hẹn nhận vào học ở Anh, nhưng nhiều gia đình Ukraine đã phải chờ đợi hàng tháng trời và con cái họ vẫn bị các cơ sở giáo dục địa phương từ chối.
Các phương tiện truyền thông Anh cho rằng, sự thất bại của các chương trình hỗ trợ người tị nạn Ukraine là do chính phủ không có đủ kinh phí, cách tiếp cận không nhất quán ở cấp địa phương, cũng như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra ở nước này.
Hồi tháng 8/2022, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết, 21% số nhà tài trợ của chương trình “Ngôi nhà cho Ukraine” nói rằng lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hỗ trợ cho chương trình của họ.
Trong khi đó, giữa tháng 11, báo chí Anh đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đang xem xét giảm tài trợ cho chương trình Ngôi nhà cho Ukraine trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Người tị nạn Ukraine khó tìm việc làm
Chương trình của EU dành cho người tị nạn Ukraine cũng không phải toàn màu hồng.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến 15/11, có khoảng 7,8 triệu người tị nạn Ukraine được ghi nhận trên khắp châu Âu, trong đó 4,7 triệu người đã đăng ký chương trình Bảo vệ tạm thời của EU hoặc các chương trình tương tự của các quốc gia.
Chương trình Bảo vệ Tạm thời của EU dành cho người tị nạn Ukraine đảm bảo quyền làm việc, tiếp cận y tế, giáo dục, nơi ở và được hỗ trợ tài chính trong tối đa 3 năm. Tuy nhiên, báo chí phương Tây thừa nhận, kế hoạch này không được như kỳ vọng.
Từ tháng 2-9/2022, Đức tiếp nhận gần 1 triệu người Ukraine, nhưng chưa đến 10% trong số họ tìm được việc làm.
Theo số liệu chính thức, Tây Ban Nha đã tiếp nhận 142.000 người Ukraine theo cơ chế Bảo vệ tạm thời, trong đó có 90.000 người trong độ tuổi lao động nhưng cho đến nay chỉ 13% trong số này có việc làm.
Cuộc khảo sát mới nhất của UNHCR thực hiện tại 43 quốc gia tiếp nhận người tị nạn Ukraine, hầu hết ở châu Âu, cho thấy chỉ 28% người tị nạn được tuyển dụng hoặc tự kinh doanh. Sự phù hợp giữa trình độ kỹ năng và công việc là vấn đề rất khó giải quyết, trong khi ngôn ngữ thường trở thành rào cản lớn.
Theo các nhà quan sát, việc đi học của con cái, chăm sóc con nhỏ, việc làm, mất giấy tờ, không có nhà ở và nạn buôn người là những thách thức mà những tị nạn Ukraine phải đối mặt.
Báo chí phương Tây cũng thừa nhận, sự nhiệt tình chào đón của châu Âu với người tị nạn Ukraine đang phai nhạt, trong bối bối cảnh lạm phát phi mã và suy thoái kinh tế đang rình rập.
“Lợi ích tạm thời” ở Mỹ
Mỹ tiếp nhận ít người tị nạn Ukraine hơn nhiều so với các nước châu Âu. Washington có xu hướng chỉ cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho những người đến từ quốc gia Đông Âu này và không mở ra cơ hội để họ trở thành công dân Mỹ trong trong tương lai.
Đầu năm nay, Mỹ đã triển khai chương trình Quy chế bảo bệ tạm thời (TPS) cho công dân Ukraine, có hiệu lực trong 18 tháng. Theo trang web của chính phủ Mỹ, TPS là “lợi ích tạm thời” và quy chế này không có nghĩa là người tị nạn Ukraine sẽ trở thành thường trú nhân hợp pháp hay có bất kỳ quy chế nhập cư nào khác.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden đã khởi động chương trình Đoàn kết vì Ukraine (U4U) vào ngày 21/4, cho phép công dân Ukraine và các thành viên gia đình của họ đến Mỹ thông qua “bảo lãnh tư nhân” trong thời gian ban đầu là 2 năm nhưng có thể gia hạn.
Chương trình yêu cầu người bảo lãnh sống tại Mỹ hỗ trợ tài chính trong thời gian họ [người tị nạn Ukraine] ở nước này. Hơn nữa, không giống như Chương trình tiếp nhận người tị nạn của Bộ Ngoại giao Mỹ (USRAP), U4U không mở ra cơ hội để người Ukraine trở thành công dân Mỹ, không cấp giấy phép làm việc, không đảm bảo cơ hội đoàn tụ với các thành viên gia đình vẫn còn ở nước ngoài, chứ chưa nói đến việc tiếp cận chương trình y tế hay các chương trình an sinh xã hội mạng lưới an toàn khác.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel có trụ sở tại Đức, từ tháng 1-10/2022, Mỹ, EU, Anh và một số quốc gia khác đã cam kết cung cấp vũ khí trị giá tổng cộng 41,5 tỷ euro cho Kiev – bao gồm pháo, vũ khí phòng không, vũ khí chống tăng, xe bọc thép, máy bay không người lái, trực thăng…
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây cũng kêu gọi các nước các thành viên tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine và “phải chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Ukraine trong một thời gian dài”.
Các nước phương Tây dường như sẵn sàng viện trợ vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Kiev hơn là dành ngân sách vào chương trình cung cấp nơi, việc làm và phúc lợi xã hội cho người tị nạn Ukraine./.