Phát biểu qua video nhân lễ hạ thủy tàu phá băng hạt nhân Yakutia ở St. Petersburg, Tổng thống Putin đã khẳng định tầm quan trọng chiến lược của con tàu này với Nga. Ngoài hạ thủy tàu Yakutia, các nhà chức trách cũng treo cờ lên một tàu phá băng hạt nhân khác là Ural.

Ural và Yakutia là một phần trong hạm đội tàu phá băng hạt nhân nhằm đảm bảo ưu thế và sức mạnh của Nga ở Bắc Băng Dương. Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển hạm đội này bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế và những khó khăn trong quá trình sản xuất mà Nga đang đối mặt.

"Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng của hạm đội tàu phá băng hạt nhân", Tổng thống Putin cho hay, đồng thời nhận định Nga sẽ thực hiện điều đó bằng cách "sử dụng các thiết bị và nguyên liệu trong nước".

Ural dự kiến sẽ đi vào vận hành trong tháng 12 năm nay trong khi Yakutia sẽ tham gia vào hạm đội vào cuối năm 2024, Tổng thống Putin cho hay.

Những con tàu này được thiết kế để đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Cực, có chiều dài khoảng 173 mét và có thể xuyên qua lớp băng dày tới 2,8 mét.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết các tàu chiến này là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm "tăng cường vị thế của Nga như một cường quốc Bắc Cực".

Ông một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển Tuyến Biển Bắc - cho phép tàu thuyền tới châu Á nhanh hơn tới 15 ngày so với tuyến đường qua Kênh đào Suez.

"Đây là một hành lang rất quan trọng cho phép Nga nhận thức đầy đủ về tiềm năng xuất khẩu của mình cũng như thiết lập một tuyến hậu cần hiệu quả tới Đông Nam Á".

Trong những năm qua, Moscow đã đầu tư lớn vào tuyến đường này. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các kế hoạch chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á càng trở nên cấp bách.

Các ngành công nghiệp của Nga đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất những tháng gần đây do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các con tàu trên được kỳ vọng sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi khi được Nga sử dụng ở Bắc Cực.

Việc đi lại ở phía Đông Bắc Cực thường tạm dừng vào tháng 11 nhưng Moscow hy vọng các tàu phá băng, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, sẽ làm tuyến đường trên có thể sử dụng quanh năm.

Từ năm 2005, Nga đã mở lại 10 căn cứ quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực, hiện đại hóa hải quân và phát triển các tên lửa siêu thanh mới có thể thoát khỏi hệ thống cảm biến và phòng thủ của Mỹ. Các chuyên gia về Bắc Cực nhận định phương Tây sẽ phải mất ít nhất 10 năm để bắt kịp quân đội Nga ở khu vực này./.