Máy bay không người lái (UAV) Iran mà Nga sử dụng ở Ukraine được chế tạo từ các thành phần được sản xuất độc quyền bởi các công ty có trụ sở ở Mỹ, châu Âu và châu Á, theo báo cáo công bố ngày 22/11 của Nhóm nghiên cứu vũ khí xung đột có trụ sở tại Anh.

Một số nhà điều tra của Nhóm nghiên cứu vũ khí xung đột đã đến thăm thủ đô Kiev vào đầu tháng 11 theo lời mời của cơ quan an ninh Ukraine.

Hầu hết các thành phần mà nhóm nghiên cứu đã kiểm tra, trong đó có cả chất bán dẫn và các thành phần điện tử tiên tiến khác, đều có dấu hiệu cho thấy chúng được sản xuất trong những năm gần đây trong khi Iran vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt để không thể tiếp cận các loại vật liệu như vậy.

Hiện chưa rõ bằng cách nào Iran có được các thành phần như vậy. Các ký hiệu trên linh kiện thường xác định công ty đã bán linh kiện đó nhưng không nhất thiết ghi năm hoặc nơi sản xuất.

Iran thừa nhận cung cấp số lượng hạn chế UAV cho Nga, nhưng việc này được thực hiện từ vài tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, phát hiện của nhóm nghiên cứu vũ khí xung đột đã bác bỏ tuyên bố của Iran. Một tên lửa dẫn đường phóng từ UAV dường như đã được chế tạo vào tháng 5.

82% thành phần được sản xuất tại Mỹ

Nga và Ukraine đã sử dụng nhiều loại UAV trong cuộc xung đột hiện nay, bao gồm cả những mẫu do Mỹ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Một số là UAV giám sát, những mẫu lớn hơn có thể mang theo tên lửa và lựu đạn để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Nhóm Nghiên cứu vũ khí xung đột đã phân tích các mảnh vỡ của 3 mẫu UAV tiên tiến do Iran sản xuất, trong đó có UAV cảm tử Shahed-131 và Shahed-136 - được thiết kế để lao vào mục tiêu và phát nổ, cùng UAV giám sát có vũ trang Mohajer-6.

“Ở cả 3 mẫu UAV, chúng tôi nhận thấy có hơn 500 thành phần khác nhau. Chúng tôi đã xác định được hơn 70 nhà sản xuất ở 13 quốc gia và khoảng 82% các thành phần này được sản xuất tại Mỹ”, ông Damien Spleeter, người đứng đầu nhóm điều tra cho biết.

Theo ông Spleeters, hầu hết các thành phần mà nhóm có thể xác định theo năm sản xuất đều được sản xuất vào năm 2020 và 2021.

Các quan chức Mỹ nói rằng, UAV của Iran bắt đầu được đưa đến Nga vào tháng 8. Các binh sĩ Ukraine cho biết quân đội Nga đã sử dụng Shahed-136 để phá hủy các hệ thống pháo do Mỹ cung cấp cũng như các cơ sở hạ tầng dân sự như các nhà máy điện trên khắp Ukraine.

Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với công ty Iran sản UAV Shahed. Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng áp lệnh trừng phạt đối với công ty này vào tháng 10.

Đòn trừng phạt Iran không hiệu quả?

Ông Spleeters cho hay, rất nhiều thành phần trong vũ khí Iran thu được ở Ukraine đến từ Mỹ và các quốc gia thuộc EU, mặc dù những nước này vẫn đang áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Điều này cho thấy các đòn trừng phạt không hiệu quả.

“Khi tôi trao đổi với các nhà quản lý, vấn đề thường là ở sự khó khăn trong việc kiểm soát các linh kiện đó, bởi chúng ở khắp mọi nơi. Nhưng một số thành phần mà chúng tôi phát hiện được là hàng cao cấp”, ông Spleeters nói.

Ngoài việc tìm thấy chất bán dẫn tiên tiến trong vũ khí của Iran, nhóm điều tra còn tìm thấy một số lượng lớn chip phổ biến và rẻ tiền.

Ông Chris Miller, Giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts và là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến chip”, cho biết: “Nhiều loại chip được đưa vào các hệ thống quân sự như UAV cũng được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng có thể dễ dàng mua chúng vì mục đích dân sự ở nhiều quốc gia và do đó, không thể kiểm soát được những con chip đó sẽ đi tới đâu khi chúng đến tay các nhà phân phối và sau đó là người dùng cuối”.

“Mặc dù việc một công ty Mỹ chuyển trực tiếp chip sang Iran chắc chắn là bất hợp pháp, nhưng việc những con chip đó được chuyển đến một nước thứ ba và sau đó một người nào đó ở nước thứ ba chuyển giao chúng sang Iran là khá đơn giản”, ông nói Miller thêm.

Theo ông Miller, những con chip như vậy rất nhỏ, có thể chỉ tốn 1 USD mỗi chiếc và thường được sản xuất theo lô hàng chục nghìn chiếc. Việc chuyển hàng trăm hoặc hàng nghìn com chip đến một quốc gia như Iran cũng khá dễ dàng.

Vũ khí Iran ngày càng tinh vi

Cả hai 2 mẫu UAV Shahed đều có hình dạng tam giác. Ông Spleeters cho biết những chiếc được kiểm tra ở Ukraine đã được sơn lại màu xám và có dòng chữ Geran. Các thông số của UAV này rất khó ước tính vì chúng đã bị bắn hạ hoặc bị trục trặc và không còn nguyên vẹn.

Ngược lại, Mohajer-6, mẫu UAV lớn hơn nhiều so với 2 mẫu Shahed, có thể tái sử dụng, có kích thước xấp xỉ một chiếc máy bay cánh quạt siêu nhẹ cỡ nhỏ. Mohajer-6 được cho là có tầm hoạt động khoảng 200km và có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ giám sát cũng như không kích.

Các nhà điều tra cũng có cơ hội hiếm hoi được tiếp cận Qaem-5 của Iran, tên lửa dẫn đường chính xác bắn từ UAV Mohajer. Với chiều dài chỉ khoảng 1,2 mét, Qaem-5 nhỏ hơn một chút so với tên lửa Hellfire thường được phóng từ UAV có vũ trang của Mỹ.

Các nhà điều tra cho biết một camera truyền hình nhỏ ở mũi tên lửa cho thấy nó được dẫn đường từ xa.

Nhóm điều tra nói rằng các phân tích của họ về UAV Iran ở Trung Đông kể từ năm 2017 cho thấy vũ khí của Tehran đang ngày càng tinh vi và có năng lực.

Các thành phần điện tử trong UAV Shahed chỉ ra rằng những vũ khí đó có khả năng bay chính xác đến mục tiêu và chứa các mô-đun điều hướng vệ tinh cho phép chúng hoạt động ở những khu vực có tín hiệu điều hướng vệ tinh bị nhiễu.

“Có vẻ như đã có một bước nhảy vọt về năng lực UAV sử dụng một lần. Iran đã bổ sung thêm nhiều khả năng cho các vũ khí mà họ xuất khẩu”, ông Spleeters nhận định./.