Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với sự tham dự của gần 2.300 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên.
Dự kiến tại Đại hội Đảng lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nhấn mạnh những nhiệm vụ chiến lược và các bước đi then chốt trong 5 năm tới và xa hơn, nhằm thúc đẩy mục tiêu hiện đại hóa đất nước và phục hưng dân tộc.
Giới phân tích cho rằng, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nhắc lại triết lý quản lý lấy người dân làm trung tâm và sự cần thiết phải kiên định với "chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc", đồng thời nêu bật sự cần thiết phải phối hợp giữa hai yếu tố phát triển và an ninh trong bối cảnh mới, cải cách và mở cửa Trung Quốc trước những rủi ro và thách thức từ bên ngoài. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có thể chứng kiến sự thay đổi về giới lãnh đạo chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc với việc bổ nhiệm những nhân vật có tác động đến chính sách kinh tế, ngoại giao, an ninh và xã hội trong ít nhất 5 năm tiếp theo.
Điểm nhấn đáng chú ý
Bên cạnh việc bầu ra ban lãnh đạo khóa mới, những nội dung đề cập trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc tại phiên khai mạc của Đại hội XX sẽ là những trọng tâm được đưa ra bàn thảo, phân tích trong những ngày tới.
Đáng chú ý, báo cáo trình bày tại phiên khai mạc chỉ là bản rút gọn của báo cáo gửi tới các đại biểu tại đại hội. Bản báo cáo phát cho phóng viên tham dự dài tới 72 trang, nhưng thời gian đọc chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút, trong khi báo cáo tại Đại hội XIX là 68 trang nhưng thời gian trình bày lên tới gần 3 tiếng.
Mặc dù có đưa ra một số khái niệm mới, nhưng nhìn chung báo cáo vẫn kế thừa các lý luận cơ bản mà ĐCSTQ đã tuân thủ trong những năm gần đây.
Một trong những khái niệm mới được quan tâm đưa ra trong báo cáo là “thúc đẩy toàn diện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, khẳng định hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Theo báo cáo, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc vừa mang đặc trưng chung của các nước, càng phải mang đặc sắc Trung Quốc dựa trên tình hình của nước này, đồng thời có 5 đặc điểm là quy mô dân số lớn, toàn thể người dân cùng giàu (thịnh vượng chung), hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, cùng tồn tại hài hòa giữa con người và thiên nhiên và đi theo con đường phát triển hòa bình.
Báo cáo cũng đưa ra “ba điều cần phải”: cần phải không quên nguyện ước ban đầu, khắc ghi sứ mệnh; cần phải khiêm tốn thận trọng, phấn đấu gian khổ; cần phải dám đấu tranh, giỏi đấu tranh. Đây được coi là yêu cầu mới mà ĐCSTQ đưa ra cho toàn đảng khi tình hình trong nước, đặc biệt là môi trường quốc tế có nhiều thay đổi lớn.
Báo cáo xác định “phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại”, nhưng cũng lần đầu tiên có chương riêng về “an ninh quốc gia”, nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh quốc gia, phối hợp giữa an ninh bên ngoài và an ninh bên trong, an ninh lãnh thổ và an ninh quốc dân, đồng thời yêu cầu phải phối hợp giữa phát triển và an ninh.
Báo cáo cũng đề cập đến vấn đề “tự cách mạng”, cho rằng đây là “đáp án thứ hai cho việc thoát khỏi chu kỳ lịch sử trị loạn hưng suy”, đồng thời nhấn mạnh “chống tham nhũng là cuộc tự cách mạng triệt để nhất”.
Ngoài ra, báo cáo cũng thừa nhận những khó khăn, vấn đề và thiếu sót còn tồn tại ở Trung Quốc, như phát triển không cân bằng, không đầy đủ; việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ; năng lực sáng tạo đổi mới công nghệ chưa mạnh, an ninh lương thực, năng lượng... còn nhiều vấn đề cần giải quyết; nhiệm vụ chống tham nhũng vẫn còn rất gian nan...
Nhiệm vụ trọng tâm
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX là đưa ra lộ trình hành động trong 5 năm tới và xa hơn nữa, với mục tiêu kế tiếp là tiến tới xây dựng đất nước XHCN hiện đại về mọi mặt, đẩy mạnh an sinh xã hội cho người dân.
Thịnh vượng chung hay cùng giàu là vấn đề đã được đưa ra tại Đại hội XIX và được nhắc đến nhiều hơn vào cuối nhiệm kỳ vừa qua sau khi Trung Quốc hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất xây dựng xã hội khá giả. An sinh xã hội là một phần hết sức quan trọng trong việc hướng tới thịnh vượng chung.
Báo cáo tại Đại hội XX đã dành một phần riêng để nói về việc tăng cường phúc lợi dân sinh và nâng cao đẳng cấp đời sống nhân dân, với các nội dung liên quan đến hoàn thiện chế độ phân phối, thực thi chiến lược ưu tiên tạo việc làm, kiện toàn hệ thống an sinh xã hội và thúc đẩy xây dựng Trung Quốc khỏe mạnh.
Trong đó, yêu cầu tăng thêm thu nhập cho những người có thu nhập thấp, mở rộng nhóm có thu nhập trung bình; kiện toàn cơ chế thúc đẩy tạo việc làm đầy đủ, chất lượng cao; kiện toàn hệ thống an sinh xã hội nhiều tầng nấc bao phủ toàn dân và đặt sức khỏe của người dân lên vị trí chiến lược ưu tiên.
Ông Tập Cận Bình cũng yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện tốt, bảo vệ tốt, phát triển tốt lợi ích căn bản của các tầng lớp nhân dân đông đảo nhất, bám sát vấn đề và lợi ích nhân dân quan tâm nhất, trực tiếp nhất, hiện thực nhất, đi sâu vào quần chúng và cơ sở, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, khó khăn, lo âu, mong đợi của quần chúng nhân dân; kiện toàn hệ thống dịch vụ công cơ bản, nâng cao trình độ dịch vụ công, tăng cường tính đồng đều và khả năng tiếp cận, nhằm thúc đẩy vững chắc thịnh vượng chung.
Cuộc chiến chống tham nhũng trong chiến lược phát triển quốc gia
Chống tham nhũng là vấn đề rất được được quan tâm ở Trung Quốc. Đánh giá công tác nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho biết, ĐCSTQ đã tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng “chưa từng có trong lịch sử”, kiên quyết cắt bỏ ung nhọt độc hại với sứ mệnh “thà gây oán với trăm nghìn người, còn hơn phụ lòng hơn 1,4 tỷ người”.
Như đã nói ở trên, ông gọi việc “tự cách mạng” là “đáp án thứ hai cho việc thoát khỏi chu kỳ lịch sử trị loạn hưng suy” mà đảng này đã tìm ra, nhằm đảm bảo đảng “mãi mãi không biến chất, không đổi màu, không đổi vị”.
Trong phần đề cập đến việc quản lý đảng nghiêm minh toàn diện và xây dựng đảng trong thời đại mới của báo cáo, ông nhấn mạnh “chống tham nhũng là cuộc tự cách mạng triệt để nhất”, do đó cần phải kiên quyết giành thắng lợi trong cuộc chiến lâu dài này. Ông tuyên bố “chừng nào còn mảnh đất và điều kiện để tham nhũng tồn tại, thì cuộc chiến chống tham nhũng không thể ngừng nghỉ dù chỉ một giây”, cần kiên trì thúc đẩy cùng lúc không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.
Đây là những dấu hiệu cho thấy, sau Đại hội XX, ĐCSTQ vẫn sẽ tiếp tục duy trì xu hướng chống tham nhũng với quyết tâm và cường độ cao.
Năm năm tới sẽ là thời kỳ then chốt trong hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Vì thế, giới phân tích đều nhận định, Đại hội đảng lần thứ XX là sự kiện hết sức quan trọng với Trung Quốc trong việc hoạch định một cách khoa học những những chủ trương lớn, mục tiêu, nhiệm vụ đối với sự phát triển của đất nước Trung Quốc trong 5 năm tới và xa hơn./.