Vũ khí hạt nhân đã kích nổ thì mọi thứ thật khó lường

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói: “Tôi tin rằng nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, có lẽ không còn Liên Hợp Quốc để mà phản ứng lại điều đó. Chúng ta có lẽ chẳng còn ai sống sót tại đây”. Đó là câu trả lời mới đây của ông Guterres dành cho một phóng viên Nhật Bản hỏi ông về phản ứng của Liên Hợp Quốc trước tình huống giả định là Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Ông Guterres đưa ra đánh giá đó khi tới Nhật Bản dự lễ tưởng niệm việc Mỹ ném bom xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II.

Dư luận quốc tế trong các tháng qua lo lắng về khả năng Điện Kremlin quyết định sử dụng thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu đã kiềm chế trong việc trang bị các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine nhằm tránh chọc giận Nga, kích động Moscow trả đũa.

Nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc chia sẻ: “Tại Hiroshima, tôi đưa ra 2 yêu cầu cụ thể. Thứ nhất, tôi yêu cầu các nước vũ trang hạt nhân cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Thứ hai, tôi yêu cầu các nước sở hữu vũ khí hạt nhân này không bao giờ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân với các nước không được trang bị vũ khí hạt nhân, với sự minh bạch tối đa ở kho vũ khí hạt nhân của họ”.

Tổng thư ký Guterres nói tiếp: “Tôi hy vọng các yêu cầu này sẽ được xem xét nghiêm túc bởi vì chúng ta đang chứng kiến quá trình cực đoan hóa tình hình địa chính trị khiến cho rủi ro chiến tranh hạt nhân một lần nữa không thể bị quên lãng”.

Trong giới hoạch định chính sách Mỹ, có sự tranh cãi về chủ đề “không sử dụng trước”, bởi vì cam kết chính thức không làm bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột có thể khiến các nước khác tin rằng họ có thể giành chiến thắng nếu Mỹ không có sự hiện diện quân sự thông thường đủ mạnh ở một khu vực xung đột nào đó.

Các kịch bản về Nga sử dụng vũ khí hạt nhân xuất hiện khi Tổng thống Nga Putin thường xuyên đề cập đầy ngụ ý kho hạt nhân của nước này, còn các nước thành viên NATO đánh giá rằng Kremlin đã theo đuổi một học thuyết quân sự với nội dung cho rằng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu mà không kích thích Mỹ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.

Hai phe tại Ukraine đang đùa với lửa hạt nhân?

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl nói với phóng viên tại Lầu Năm Góc: “Người Ukraine đang bắt đầu gây áp lực ở miền Nam, và người Nga đã buộc phải tái triển khai lực lượng của mình đến đó… Hai bên cùng hứng chịu thương vong. Cuộc chiến này là xung đột quy ước dữ dội nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhận định: “Điều khó khăn liên quan đến ngừng bắn xuất phát từ thực tế đơn giản sau: Ukraine không thể chấp nhập một tình huống mà trong đó lãnh thổ của họ bị nước khác chiếm giữ, còn Nga cũng không sẵn lòng chấp nhận những khu vực mà quân Nga vừa chiếm được sẽ không bị Nga sáp nhập hoặc không dẫn tới sự ra đời của các quốc gia độc lập mới. Như vậy vào lúc này, hai  quan điểm là không thể dung hòa”.

Một đại diện thân Nga ở khu vực Zaporizhzhia (Ukraine) tuyên bố vào hôm 8/8 rằng ông có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Zaporizhzhia vào lãnh thổ Nga. Vùng Zaporizhzhia là nơi có một trong các nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Ukraine Zelensky tất nhiên cực lực phản đối một cuộc trưng cầu ý dân như thế .

Nguy cơ một thảm họa phóng xạ gia tăng vào hôm 6/8 quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.

Nga và Ukraine cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy này. Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuần trước cáo buộc binh sĩ Nga “đang sử dụng nhà máy làm căn cứ quân sự để bắn vào phe Ukraine”.

Hiện tại, Nga đang kiểm soát nhà máy. Nga tố quân Ukraine nã pháo vào nhà máy để “bắt cóc toàn bộ châu Âu làm con tin” phục vụ mục tiêu chiến tranh của họ.

Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói vào hôm 6/8 như sau: “Bất cứ hỏa lực quân sự nhằm vào hoặc xuất phát từ cơ sở điện hạt nhân này sẽ chẳng khác nào đùa với lửa, với hậu quả có thể rất khủng khiếp. Tôi lên án bất cứ hành vi bạo lực nào được tiến hành tại hoặc gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hoặc chống lại nhân viên của nhà máy này. Nhân viên người Ukraine đang vận hành nhà máy dưới sự kiểm soát của Nga phải được thực thi nhiệm vụ của mình mà không bị đe dọa hoặc gây áp lực phá hoại sự an toàn của chính họ cũng như của cơ sở điện hạt nhân này”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định, “bất cứ cuộc tấn công nào vào nhà máy hạt nhân đều là hành động tự sát. Tôi hy vọng các cuộc tấn công như thế sẽ chấm dứt. Đồng thời tôi hy vọng rằng IAEA sẽ có thể tiếp cận được nhà máy này”.

Hoạt động thanh sát vũ khí của 2 siêu cường hạt nhân tạm ngừng

Trong một diễn biến liên quan đến nguy cơ hạt nhân, Nga vào ngày 8/8 đã thông báo đóng băng các cuộc thanh sát của Mỹ đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí chủ chốt. Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản chuyên gia Nga thực hiện các cuộc thanh sát tương tự với các cơ sở hạt nhân của Mỹ.

Diễn biến này phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington về hành động quân sự của Nga ở Ukraine và đánh dấu lần đầu tiên Kremlin ngừng hoạt động thanh sát của Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START, với hậu quả làm gia tăng rủi ro hạt nhân

Bộ Ngoại giao Nga cho hay, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên Nga (như các trừng phạt áp lên các chuyến bay, giới hạn thị thực và các trở ngại khác) đã khiến các chuyên gia quân sự Nga không tới được các cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ, từ đó giúp Mỹ có được “lợi thế đơn phương”.

Hiệp ước New START được Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev ký vào năm 2010. Hiệp ước giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa và máy bay ném bom, cũng như bảo đảm các hoạt động thanh sát tại thực địa để kiểm chứng việc tuân thủ của hai bên.

Trước khi New START hết hạn vào tháng 2/2021, Nga và Mỹ đồng ý gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm.

Ankit Panda - chuyên gia chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định: Rủi ro hạt nhân giữa hai bên vẫn chưa giảm. Điều quan trọng là bảo đảm khôi phục các giao thức thanh tra. Đại dịch Covid-19 đã cản trở nghiêm trọng hoạt động thanh sát New START và quyết định mới nhất của Nga về không cho chuyên gia Mỹ thanh sát làm cho tình hình kiểm soát vũ khí hạt nhân càng thêm khó khăn./.