Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow đã nhiều lần khẳng định về lập trường hạt nhân của mình. Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại lập trường đó khi tuyên bố Nga sẽ sử dụng "mọi phương tiện sẵn có", trong đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ "sự thống nhất lãnh thổ" của Nga, đồng thời nhấn mạnh "đây không phải là lời nói suông".
Các chuyên gia đều cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ngay cả vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể gây ra những hệ quả to lớn. Một chuyên gia cho biết, các cơ quan tình báo của Mỹ cần tiến hành một quy trình nhiều bước để xác định nguy cơ vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng và cho đến nay, các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn chưa thấy dấu hiệu của rủi ro này.
Nga sở hữu kho hạt nhân chiến thuật lớn nhất thế giới, những vũ khí mà tác động của chúng trên chiến trường chỉ giới hạn ở việc phá hủy một số phương tiện bọc thép nhưng cũng có thể khiến hàng chục người thiệt mạng nếu được sử dụng ở một thành phố.
Việc sử dụng dù chỉ một vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể tạo ra chuỗi leo thang nguy hiểm. Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cảnh báo nguy cơ thế giới đối mặt với “Ngày tận thế hạt nhân” đang ở mức cao nhất kể từ cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 và Mỹ đã trao đổi riêng với Nga về những hậu quả thảm khốc nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.
Người phát ngôn EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Nabila Massrali ngày 14/10 cũng khẳng định EU sẽ phản ứng quân sự nếu Moscow tấn công hạt nhân vào Ukraine.
Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng chiến tranh hạt nhân khó có khả năng xảy ra nhưng nhiều chuyên gia hạt nhân hàng đầu thế giới đánh giá nguy cơ này vẫn cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược
Phương Tây cho rằng, trong những cảnh báo mơ hồ của Tổng thống Putin, hiện không rõ liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không hoặc sử dụng như thế nào. Nhưng các chuyên gia quân sự nhận định, nếu sử dụng, Moscow nhiều khả năng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine thay vì vũ khí hạt nhân chiến lược.
Việc sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật, hay các vũ khí phi chiến lược, đồng nghĩa với những cuộc tấn công hạn chế hơn, hoặc tầm bắn ngắn hơn. Trong khi đó, các vũ khí hạt nhân chiến lược có đương lượng nổ cao và được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở xa tiền tuyến hơn.
Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, Nga sở hữu kho hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.997 đầu đạn, mặc dù khoảng 1.500 đầu đạn đã không sử dụng nữa và không phải tất cả vũ khí hạt nhân của Nga đều được triển khai.
Ước tính Nga có khoảng 1.912 vũ khí hạt nhân chiến thuật và duy trì bộ ba hạt nhân có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào các mục tiêu bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Đương lượng nổ của vũ khí hạt nhân chiến thuật dao động từ 10 - 100 kiloton song Nga có cả các vũ khí hạt nhân đương lượng nổ thấp hơn, thậm chí dưới 1 kiloton.
Dù vậy, đây vẫn là những vũ khí vô cùng uy lực. Quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến II có đương lượng nổ chỉ 21 kiloton nhưng đã khiến 74.000 người thiệt mạng.
Nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân
Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí Liên Hợp Quốc cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn này.
Các lực lượng của Ukraine đang phân tán nên điều đó tức là việc tấn công hàng nghìn binh lính cùng lúc khó có thể thực hiện. Trên thực tế, một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ phá hủy hàng chục xe tăng, chuyên gia Pavel Podvig cho hay, đồng thời nhận định đó sẽ là cơn ác mộng hậu cần với một đội quân, ít nhất là trong thời điểm họ chưa thể tự cung cấp vũ khí.
Chuyên gia này cũng đánh giá, nếu cuộc tấn công trên xảy ra thì mục đích của nó chỉ đơn giản thể hiện rằng Nga sẵn sàng leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, ông cho rằng trong trường hợp điện Kremlin muốn phô trương sức mạnh, Moscow sẽ "phải tạo ra một sự kiện gây sốc hơn", chẳng hạn như tấn công hạt nhân vào một thành phố.
Khi nào Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân?
Nga đã công bố một tài liệu năm 2020 gọi là "Những nguyên tắc Cơ bản trong Chính sách của Nhà nước Liên bang Nga về Răn đe hạt nhân", vạch rõ học thuyết hạt nhân của nước này. Tài liệu quy định Tổng thống Nga là người quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, song thực tế là việc sử dụng vũ khí hạt nhân không đơn giản là ấn một cái nút.
Toàn bộ quá trình sẽ bắt đầu sau quyết định của Tổng thống Putin, Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ giải thích.
"Những dĩ nhiên, giống như Mỹ, quân đội phải hợp tác".
"Tôi không nghĩ sẽ có một nút đỏ trên bàn làm việc của ông ấy và sau khi ấn nó thì đột nhiên các vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu bay ra", ông Kristensen nói, đồng thời đánh giá, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ mất nhiều thời gian hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược do những vũ khí này không có sẵn ngay lập tức.
Các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga "ở kho trung tâm và cần được vận chuyển khỏi boong ke trước rồi mới đưa tới các bệ phóng để khai hỏa chúng", ông Kristensen nói. Ông cũng cho rằng tình báo phương Tây sẽ xác định được các động thái này. Cho đến nay, tình báo Mỹ không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia cho rằng rủi ro hạt nhân vẫn ở mức thấp song những cảnh báo gần đây của Moscow cũng như những diễn biến trên chiến trường Ukraine cho thấy nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức chưa từng có trong hàng thập kỷ.
Ông Kristensen nhận định khó có khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Ukraine bởi nếu điều đó xảy ra, mọi thứ sẽ "leo thang đáng kể" và dẫn tới "một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga".
Andrea Kendall-Taylor, cựu sĩ quan tình báo cấp cao, đồng tời là người dẫn đầu phân tích chiến lược về Nga trong Hội đồng Tình báo Quốc gia từ 2015 - 2018 cho rằng, nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân về ngắn hạn vẫn "ở mức thấp". Nhưng cựu quan chức Mỹ nhấn mạnh, việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine và tuyên bố chúng là một phần của Nga "đã làm tăng rủi ro này".
Các chuyên gia quân sự và các chuyên gia về Nga cũng nhất trí rằng, Tổng thống Putin sẽ chờ đợi và xem xét tình hình trước khi cân nhắc nghiêm túc đến một giải pháp mạnh mẽ như sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, các nhà quan sát phương Tây cho rằng, Moscow có thể sẽ thực hiện các động thái leo thang căng thẳng, chẳng hạn như tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Moscow đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích tên lửa vào các mục tiêu như vậy tuần qua và lần đầu tiên tấn công Kiev sau nhiều tháng.
Phương Tây sẽ phản ứng như thế nào?
Một trong những câu hỏi được quan tâm nhất về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hiện nay là phương Tây, cụ thể là NATO, sẽ phản ứng như thế nào.
Ukraine không phải là nước sở hữu hạt nhân nhưng nhiều nước NATO ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga có kho hạt nhân. Mỹ và Nga hiện sở hữu khoảng 90% kho hạt nhân của thế giới. Hai nước này đã tiến đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân gần hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh.
Chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo Nga sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng không thông báo về các biện pháp cụ thể. Các chuyên gia cho rằng Washington sẽ không phản ứng bằng vũ khí hạt nhân.
"Tôi không cho là việc phản ứng bằng vũ khí hạt nhân là điều mà Mỹ và đồng minh sẽ cân nhắc. Họ sẽ đưa ra phản ứng quân sự cứng rắn nhưng về bản chất vẫn là sử dụng các lực lượng theo quy ước", Rose Gottemoeller, cựu quan chức ngoại giao phụ trách các vấn đề kiểm soát và không phổ biến vũ khí, đồng thời là cựu Phó Tổng thư ký NATO cho hay./.