Cả Nga và NATO đều có kế hoạch tổ chức tập trận hạt nhân ở thời điểm này, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa các bên. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ sử dụng “mọi biện pháp có sẵn” để bảo vệ người dân và lãnh thổ. Trong khi đó Mỹ và các đồng minh trong NATO coi tuyên bố này là lời đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân.
Nga và NATO có thể tập trận cùng thời điểm
Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/10 thông báo, nước này đã tổ chức tập trận có sự tham gia của hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars cùng 3.000 quân nhân và 300 phương tiện quân sự. Trong sự kiện này, các binh sĩ Nga đã diễn tập “tàng hình” các bệ phóng tên lửa di động mặt đất trước hệ thống trinh thám của đối thủ, cũng như bảo vệ khí tài trước nguy cơ bị phá hoại. Hiện chưa rõ cuộc tập trận này có kéo dài hơn hay không.
Nga cũng chưa tuyên bố liệu nước này có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận hạt nhân chiến lược Grom, thường diễn ra vào tháng 10 hàng năm với sự tham gia của tàu ngầm, máy bay và tên lửa hay không.
Năm 2021, Nga không tổ chức cuộc tập trận Grom do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, cuộc tập trận này đã được tổ chức vào tháng 2 năm nay, ngay trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cùng Tổng thống Putin theo dõi các cuộc thử nghiệm chiến lược từ một trung tâm giám sát tại Kremlin.
“Đó rõ ràng là lời cảnh báo phương Tây không nên can thiệp”, chuyên gia quân sự Na Uy Lars Peder Haga đánh giá về thời điểm cuộc tập trận Grom được tổ chức vào đầu năm nay.
Trong khi đó, khoảng 14 quốc gia thành viên NATO sẽ tham gia vào cuộc tập trận “Steadfast Noon” bắt đầu từ ngày 17/10 ở Tây Âu, cách biên giới Nga 1.000km. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài 2 tuần, có sự tham gia của 50 tiêm kích, máy bay hộ tống, trinh thám và tiếp dầu – những yếu tố cần thiết cho một nhiệm vụ hạt nhân.
Đài truyền hình VRT NWS của Bỉ đưa tin, cuộc tập trận của NATO sẽ bao gồm các chuyến bay từ một căn cứ không quân ở phía Đông Bắc của Bỉ để kiểm tra các quy trình liên quan đến việc thả bom hạt nhân.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nhận định, các cuộc tập trận của Nga dự kiến sẽ được tiến hành cùng thời gian với cuộc tập trận “Steadfast Noon” của NATO.
Nguy cơ leo thang căng thẳng
Khi được hỏi liệu 30 thành viên NATO có thảo luận khả năng cuộc tập trận Steadfast Noon có thể gây ra những tính toán sai lầm trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga hay không, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ mối lo ngại này.
“Hiện giờ là lúc phải kiên quyết và thể hiện rõ ràng rằng NATO ở đó để bảo vệ tất cả các đồng minh. Đây là cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ rất lâu, từ trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine”, ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg cho biết thêm, nếu NATO hoãn cuộc tập trận hạt nhân vì khủng hoảng Ukraine, đó sẽ là thông điệp sai lầm. “Chúng ta cần phải hiểu rằng các hành động kiên quyết và có thể dự đoán được của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn sự leo thang. Chúng tôi ở đó để bảo vệ hòa bình, ngăn chặn xung đột và ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các nước đồng minh NATO”.
Liên quan tới khả năng Nga sẽ sớm tổ chức một cuộc tập trận hạt nhân, Tổng thư ký NATO cho hay: “Chúng tôi đã giám sát các lực lượng hạt nhân Nga suốt hàng chục năm qua và tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát họ chặt chẽ. Đây là cuộc tập trận hàng năm của Nga và là dịp họ thử nghiệm các lực lượng hạt nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái như vẫn làm”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Mỹ cũng dự đoán Nga sẽ sớm tổ chức tập trận Grom trong tháng này.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là cuộc tập trận thường niên. Chúng tôi dự đoán cuộc tập trận sẽ kéo dài vài ngày và sẽ bao gồm các hoạt động thường lệ như Nga đã từng thực hiện trước đây”, ông Kirby nói.
Trong khi đó, đầu tuần này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng cuộc tập trận hạt nhân của các nước phương Tây sẽ gây hại và là hành động mang tính kích động.
Các cuộc tập trận hạt nhân của Nga và NATO đến trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 bên không ngừng leo thang vì chiến sự tại Ukraine. Các nước phương Tây lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự của họ đang gặp trở ngại do Ukraine phản công dồn dập trên toàn tuyến. Tuy nhiên, Mỹ cho biết, họ chưa phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phát biểu với báo giới tại Brussels hôm 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết các đồng minh sẽ tiếp tục giám sát mọi động thái của Nga liên quan tới việc sử dụng loại vũ khí này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 13/10 cho rằng những nhận xét gần đây của phương Tây về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine chỉ là điều “hoang tưởng”./.