Trước thềm cuộc họp kín của NATO ngày 13/10, một quan chức NATO giấu tên cho biết, bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga sẽ gây ra “hậu quả chưa từng có” đối với Moscow.

Theo vị quan chức này, một cuộc tấn công hạt nhân của Nga “gần như chắc chắn sẽ dẫn tới phản ứng bằng hành động từ nhiều đồng minh của Ukraine và có khả năng từ chính NATO”.

Tuy nhiên, Nga dường như vẫn đang sử dụng các mối đe dọa hạt nhân để ngăn chặn NATO và các quốc gia khác trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine, quan chức NATO nói thêm.

Vào đầu tháng 10, Tổng thống Putin ký ban hành luật, hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nga 4 vùng của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Ông Putin và các quan chức Nga khẳng định sẽ bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập, trong đó để ngỏ cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ đã nói rõ với Nga về “hậu quả thảm khốc” mà Moscow sẽ phải đối mặt nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Sullivan không nêu rõ phản ứng đáp trả của Mỹ nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 12/10 cho biết, Mỹ đang theo dõi động thái của Nga đối với khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. “Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào vào thời điểm này cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Austin nói.

Trong khi đó, NATO cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tập trận hạt nhân hàng năm “Steadfast Noon” bất chấp tình hình xung đột Nga - Ukraine leo thang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Moscow với liên minh quân sự này.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, nếu NATO hoãn cuộc tập trận hạt nhân vì khủng hoảng Ukraine, đó sẽ là một thông điệp sai lầm.

“Đây là một cuộc tập trận để đảm bảo rằng hoạt động răn đe hạt nhân của chúng ta vẫn an toàn, bảo mật và hiệu quả, đồng thời bổ sung thêm sức mạnh quân sự của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào”, ông Stoltenberg nói./.