Nhiều kịch bản chiến tranh khó lường

Tổng thống Nga Putin có lẽ ban đầu tính toán rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” do ông phát động vào tháng 2/2022 sẽ dẫn tới việc chính quyền của Tổng thống Zelensly nhanh chóng đầu hàng hoặc sụp đổ.

Tuy nhiên, tính toán này đã không trở thành hiện thực do 3 yếu tố: Sự kháng cự quyết liệt của Ukraine; thông tin tình báo do phương Tây (đặc biệt là Mỹ) cung cấp cho Ukraine, mang lại lợi thế thông tin cho phía Ukraine trong xung đột; và viện trợ vũ khí của phương Tây (đặc biệt là Mỹ) dành cho Ukraine.

Sáu tháng tính từ cuối tháng 2/2022, xung đột Ukraine - Nga đã biến thành một cuộc chiến tiêu hao. Chính Tổng thống Zelensky thừa nhận, các lực lượng Nga chiếm đóng xấp xỉ 20% diện tích lãnh thổ Ukraine.

Sự hỗ trợ to lớn của phương Tây về thông tin và về vật chất đã giúp quân đội Ukraine ngăn quân Nga tiến xa hơn. Tuy nhiên, Kiev có vẻ cũng đuối sức trong nỗ lực đẩy quân đội Nga trở lại biên giới Nga. Mặc dù vậy, hai bên đều không có dấu hiệu muốn ngừng bắn, và vì thế cuộc chiến cứ tiếp diễn, có lẽ thêm nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa.

Nhưng rốt cuộc, cuộc chiến tranh nào cũng phải đi đến hồi kết thúc. Điều này sẽ diễn ra như thế nào? Có thể rằng bất chấp các khó khăn, Nga vẫn sẽ xoay sở thành công để đạt mục đích ban đầu là buộc chính quyền ông Zelensky phải đầu hàng hoặc sụp đổ. Mặt khác, các lực lượng Ukraine được phương Tây hậu thuẫn có thể đẩy được quân Nga ra khỏi nhiều vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát trên đất Ukraine.

Tuy vậy, chiến tranh nhiều khi không nhất thiết phải kết thúc với việc một bên đánh bại bên còn lại về mặt quân sự. Chiến tranh tiêu hao có thể kết thúc theo nhiều cách khác nhau. Một thí dụ là sự sụp đổ nội bộ do tình trạng khẩn cấp thời chiến (như ở Đức vào cuối Thế chiến I). Trường hợp khác là không bên nào chiếm được ưu thế sau nhiều năm giao tranh đẫm máu, và cả hai bên sẵn lòng chấp nhận một thỏa thuận đình chiến do thiệt hại cao ở mức không thể chịu được nữa (như tình hình cuộc chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988).

Có lẽ trong tương lai gần cả Nga và Ukraine đều sẽ không chiếm ưu thế áp đảo về quân sự và xung đột giữa đôi bên sẽ tiếp tục cho đến khi một trong hai bên gặp biến cố chính trị nội bộ hoặc mỗi bên đều từ bỏ nỗ lực đánh bại đối phương.

Thế mạnh của mỗi phe

Vậy một cuộc chiến tranh tiêu hao giữa Nga và Ukraine sau hàng tháng trời hoặc hàng năm trời sẽ như thế nào? Sức mạnh và điểm yếu nào của mỗi bên trong xung đột dài hạn sẽ khiến họ tránh được nguy cơ trở thành bên thua cuộc?

Vừa qua, các lực lượng Ukraine đã chiến đấu ít nhiều rất quyết liệt trong bảo vệ lãnh thổ, còn vị tổng thống của họ đã tỏ rõ thái độ chiến đấu không khoan nhượng. Đặc biệt, quân đội Ukraine nhận được viện trợ quân sự khổng lồ từ phương Tây giúp họ ghìm chân quân Nga trên chiến trường. Nếu thiếu viện trợ quân sự từ phương Tây, khả năng cao là Ukraine sẽ không thể chặn được đà tiến của quân Nga lên nhiều phần lãnh thổ của Ukraine.

Trong khi đó, dù hứng chịu những thương vong và thiệt hại vật chất nhất định, quân đội Nga vẫn sở hữu lượng lớn vũ khí. Bên trong nước Nga, Tổng thống Putin vẫn nắm quyền một cách chắc chắn bất chấp thế giằng co trên chiến trường Ukraine. Quả thật, phần lớn công chúng Nga vẫn ủng hộ ông Putin và cuộc chiến với Ukraine. Tuy nhiên, nếu xung đột ở Ukraine kéo dài quá lâu, người dân Nga có thể phải chịu tác động đáng kể từ không chỉ các lệnh trừng phạt của phương Tây mà còn cả tổn thất nhân mạng của các binh sĩ Nga. Và khi ấy, ông Putin có thể phải cân nhắc ban hành lệnh tổng động viên thời chiến để bảo đảm nhân lực cho cuộc chiến kéo dài, nhất là trong bối cảnh Nga cam kết không dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Ai sẽ dẻo dai hơn?

Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, điều cốt lõi là bên nào cầm cự lâu hơn. Đối với Ukraine, câu hỏi lớn là liệu phương Tây có tiếp tục hậu thuẫn cho họ hay không, và sự hậu thuẫn đó sẽ kéo dài bao lâu.

Cả các lệnh trừng phạt của phương Tây lẫn việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu đều dẫn đến tình trạng giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của công chúng châu Âu. Nếu tình trạng đau đớn về kinh tế này gia tăng đến ngưỡng và kéo dài tới ngưỡng chịu đựng của công chúng châu Âu, có thể họ sẽ lựa chọn bầu các chính đảng theo đuổi chính sách hòa hoãn với Nga. Tất nhiên khi ấy Mỹ có thể vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraine nhưng nếu thiếu sự hợp tác của một số nước EU thì điều này sẽ khó khăn hơn.

Trong trường hợp Mỹ đột ngột chấm dứt viện trợ cho Ukraine, các nước châu Âu khó lòng có được một Ukraine tự đứng vững trong cuộc đối đầu với Nga.

Tổng thống Putin có thể hy vọng nếu quân Nga có thể giữ vững được thế trận tại Ukraine cho đến năm 2024, ông Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng sau một cuộc bầu cử tổng thống. Ông Trump nổi tiếng có cảm tình với ông Putin và có thái độ không ưa Tổng thống Zelensky. Nếu kịch bản ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ xảy ra, Mỹ có thể sẽ giảm hoặc chấm dứt sự ủng hộ dành cho Ukraine, và do vậy giúp Moscow chiếm thế áp đảo trước Kiev.

Tất nhiên hiện nay không có gì chắc chắn về khả năng ông Trump sẽ tái đắc cử cả. Và ông Putin có lẽ không thể chờ tới lúc đó. Nếu cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài, tổn thất của Nga ở Ukraine cũng như khó khăn kinh tế của Nga gia tăng thì điều này sẽ tạo ra áp lực lực lên Tổng thống Putin từ xã hội Nga hoặc thậm chí các lực lượng vũ trang Nga. Khi ấy, ông Putin có thể buộc phải điều chỉnh chính sách để giảm áp lực lên mình.

Có thể tính tới kịch bản cả Nga lẫn Ukraine đều không thể tiếp tục cuộc chiến được nữa. Ở đây, yếu tố bên ngoài rất quan trọng. Hãy cùng nhìn lại lịch sử. Việc Mỹ hậu thuẫn Anh và Pháp đã góp phần khiến Đế chế Đức sụp đổ hồi Thế chiến I, còn việc Liên Xô, phương Tây và các nước vùng Vịnh hậu thuẫn cho Iraq đã khiến Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran quyết định ngừng nỗ lực hạ bệ Tổng thống Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq./.