Quân đội Nga đang đánh chắc tiến chắc
Vừa qua giới tình báo cả quân sự và dân sự của Anh đánh giá rằng đà tiến của quân Nga trên chiến trường Ukraine đang chậm lại sau khi họ chiếm được Severodonetsk và Lysychansk.
Vì sao Siversk, Sloviansk, Kramatorsk và Bakhmut vẫn trụ vững trước quân Nga?
Asia Times dẫn lời một viên sĩ quan tình báo Mỹ mới đây nêu ra những tiền lệ trong lịch sử để giải thích việc các lực lượng Nga đang giảm đà tấn công trong thời gian qua.
Viên sĩ quan tình báo này nêu lại quan sát của sử gia quân sự BH Liddell Hart về các động thái của quân đội Liên Xô trong Thế chiến II sau chiến thắng quan trọng tại Kursk: Khi đó các lực lượng của Hồng quân Liên Xô tiến rất chậm và không bao giờ khai thác dứt điểm các lỗ hổng trong phòng tuyến của quân Đức. Tuy nhiên, thành công cứ lần lượt đến bên Hồng quân. Giới lãnh đạo quân đội Xô viết lúc đó đã không bao giờ mạo hiểm hoặc hứng chịu một tổn thất lớn hay bị hở sườn đáng kể như đã từng xảy ra trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược do phát xít Đức tiến hành nhằm vào Liên Xô (giai đoạn chiến dịch Barbarossa).
Nga có thể đang vận dụng học thuyết "tác chiến chiều sâu"
Nhận xét trên của sử gia Liddell Hart vẫn phù hợp với tình hình hiện tại ở mặt trận Ukraine. Trong giai đoạn đầu, Nga định tập kích vào Kiev nhưng nỗ lực này cuối cùng không thành công do thông tin tình báo thiếu chính xác và quân Nga thiếu hậu cần chiều sâu. Tình hình đó trái ngược với học thuyết "tác chiến chiều sâu" do Nguyên soái Nga Tukhachevsky phát triển từ trước Thế chiến II. Sau thất bại ban đầu của Hồng quân vào năm 1941, ban lãnh đạo Liên Xô đã quay trở lại với học thuyết quân sự của Tukhachevsky.
Về phương thức tấn công, học thuyết "tác chiến chiều sâu" yêu cầu thực hiện tấn công trên một mặt trận rất rộng, tấn công đồng thời trên một vùng tiếp xúc lớn nhất có thể nhằm ép đối phương phải từ bỏ chiều sâu chiến thuật. Như thời Thế chiến II, sau trận Kursk, Hồng quân thực hiện lối tấn công thăm dò trên một diện rộng, sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành.
Các trận thăm dò tuy là để thăm dò nhưng vẫn cần đủ mạnh để buộc đối phương phải phòng ngự và hứng chịu thiệt hại nhất định, từ đó mang lại cho bên tấn công ưu thế cục bộ. Sau đó người ta sẽ triển khai "đội quân xung kích" - trước đó được giữ làm lực lượng dự bị nhưng nay được tung vào trận để tạo đột phá chiến dịch. Hồng quân sau trận Kursk được hưởng ưu thế cả về nhân lực và hỏa lực nhưng vẫn thiếu tính cơ động để chống lại các đòn vu hồi chiến thuật nhanh [vu hồi là chiến thuật sử dụng mũi thứ hai tách ra từ lực lượng chính để đánh vòng vào sườn hoặc sau lưng đối phương - ND].
Nguyên soái Tukhachevsky chịu án oan dưới thời Stalin nhưng sau khi Stalin qua đời, ông đã được phục hồi danh dự, còn các tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông đã được nghiên cứu rộng rãi không chỉ ở các nước XHCN mà còn cả các nước tư bản hàng đầu.
Ngày nay, khác với năm 1943, các lực lượng Nga còn sở hữu ưu thế gần như tuyệt đối về không quân trên bầu trời Ukraine. Trong hoàn cảnh đó, việc Ukraine tập trung quân đáng kể để thực hiện tấn công đột phá có thể chưa phải là lựa chọn hợp lý đối với họ. Khi ấy, họ có nguy cơ rơi vào bẫy "tác chiến chiều sâu" tương tự như các tướng Đức Erich von Manstein và Guenther von Kluge từng mắc phải.
Tĩnh lặng trước cơn bão?
Bộ Quốc phòng Nga thời gian qua tuyên bố họ giảm cường độ tấn công quân sự nhằm hạn chế thương vong dân thường.
Các nhà quan sát khác nhận định, Nga đang dành thời gian để xốc lại lực lượng, tuyển thêm binh sĩ và chuẩn bị vũ khí, phương tiện cho các đợt tấn công tiếp theo.
Hiện nay, Ukraine đang lo ngại Nga sẽ mạnh tay hơn trên chiến trường sau vụ ám sát con gái của triết gia Nga Alexander Dugin, người mang tư tưởng dân tộc cực đoan và từng một thời làm giảng viên tại Học viên quân sự cấp cao của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, thuyết giảng về địa chính trị. Ông Dugin từng có ảnh hưởng đáng kể lên quân đội, cảnh sát và giới hoạch định chính sách đối ngoại của Nga.
Triết gia Dugin và người con gái Darya của ông đều ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine nhưng họ vẫn hối thúc Tổng thống Putin cần phải cứng rắn hơn nữa.
Gần đây, Ukraine liên tục hô hào thực hiện phản công lớn nhằm vào các khu vực do Nga kiểm soát nhưng trên thực tế, quân đội Ukraine chưa làm được nhiều. Họ chủ yếu mới điều chỉnh lối đánh theo hướng tăng cường hoạt động du kích sau lưng quân Nga và đẩy mạnh sử dụng các loại pháo tầm xa để bắn phá các trung tâm hậu cần và chỉ huy của phía Nga.
Loạt nổ bí ẩn tại căn cứ Saki trên bán đảo Crimea cũng như vụ tấn công bằng UAV vào trụ sở hạm đội Biển Đen và vụ ám sát hụt nhằm vào ông Dugin có thể đã khiến Nga phải thắt chặt an ninh hậu phương trước khi mở tiếp các cuộc tấn công lớn./.