Khi Kamaran Mohammed đi cùng vợ và 3 đứa con tới thủ đô Minsk của Belarus vào tháng trước từ quê nhà ở miền Bắc Iraq, họ tới đây với tư cách là những vị khách du lịch.

Gia đình Mohammed nằm trong số hàng nghìn người được cấp thị thực du lịch trong những tháng gần đây với sự trợ giúp từ các đại lý du lịch ở Trung Đông hợp tác với các công ty lữ hành ở Belarus.

Vài ngày sau khi đến Minsk, gia đình Mohammed lên đường tới biên giới Belarus-Ba Lan, hòa vào làn sóng những người đến từ Iraq, Syria, Afghanistan và các nước khác tìm cách vượt biên vào Liên minh châu Âu (EU), mong bắt đầu một cuộc sống mới.

Mohammed và gia đình anh đã tới được Ba Lan, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn. Họ bị trục xuất về Iraq ngày 31/10. Trường hợp của Mohammed cũng là một lời nhắc nhở rằng việc chi hàng nghìn USD và liều mạng không có gì đảm bảo có thể định cư ở EU.

Cuộc khủng hoảng di cư đã châm ngòi cho những căng thẳng giữa phương Tây và Belarus. EU cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko “dàn dựng” làn sóng người di cư và gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt mới.

Dễ xin thị thực du lịch, tần suất chuyến bay nhiều hơn

Ba Lan và Litva đã công bố các hồ sơ, cho thấy ít nhất 1 công ty du lịch do nhà nước sở hữu ở Belarus đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người di cư đi lại dễ dàng hơn từ tháng 5/2021, trong khi một hãng hàng không nhà nước đã tăng hơn gấp 2 lần số chuyến bay trên tuyến đường phổ biến với những người muốn xin tị nạn.

Tổng thống Lukashenko bác bỏ cáo buộc Belarus tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng di cư, dù nói rằng ông sẽ không nhận lại những người di cư do các trừng phạt mà EU áp đặt sau cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái tại nước này.

Reuters đã trao đổi với hơn 30 người di cư, những người đang muốn di cư từ Trung Đông, cả những người đang ở quê nhà của họ, ở biên giới Belarus-Ba Lan và cả ở trung tâm di trú ở Ba Lan.

Khoảng 20 người cho biết thị thực mà họ sử dụng để đi lại là thị thực du lịch. Các hồ sơ mà Ba Lan công bố cho thấy gần 200 người Iraq được hỗ trợ làm thị thực từ một công ty du lịch do nhà nước quản lý ở Belarus để đi các tour du lịch săn bắn và tour khác.

Những người di cư và các đại lý du lịch ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, điều kiện giấy tờ đi lại tới Belarus tương đối dễ dàng trong những tháng gần đây.

Theo những người di cư từ Iraq, họ chi khoảng 1.250-4.000 USD để tới Minsk. Bất chấp chi phí không nhỏ, hàng nhìn người vẫn thực hiện các chuyến đi và xin được thị thực nhờ sự hỗ trợ của các công ty Belarus. Các chuyến bay thương mại cũng nhiều hơn kể từ đầu năm 2021.

Bộ Ngoại giao Belarus ngày 15/11 nói rằng, các cáo buộc cho rằng Minsk đã “dàn dựng” cuộc khủng hoảng ở biên giới với EU là “lố bịch”. Belarus đã siết chặt kiểm soát biên giới và hãng hàng không Belavia do nhà nước sở hữu không chở người di cư bất hợp pháp.

Tuyến đường an toàn tới châu Âu

Hầu hết những người di cư mà Reuters đã trao đổi cho biết, họ muốn đi vì không thấy tương lai cho bản thân cũng như con cái họ ở Syria hay Iraq. Một số người cho biết, họ muốn tới EU để đoàn tụ với bạn bè và người thân.

Họ nhận thấy việc tìm cách tới châu Âu qua đường bộ ít nguy hiểm hơn nhiều so với đường biển, đặc biệt là khi đi cùng con nhỏ. Từ đầu năm tới nay, họ đọc được các thông tin trên mạng xã hội rằng việc xin thị thực đã dễ dàng hơn. Các bên trung gian hay đại lý cũng có thể giúp họ dịch vụ này.

Hussein al-Asil là một người Iraq sống ở Ankara và hiện cung cấp dịch vụ cho cả khách du lịch và người di cư.

Asil cho biết, anh có thể làm việc với các đối tác Belarus để giúp khách hàng xử lý hộ chiếu được gửi từ Iraq. Sau khi được gửi lại, chủ nhân tấm hộ chiếu có thể đi lại tới Minsk qua Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Asil, trước năm 2021, việc người Iraq xin thị thực Belarus khó khăn hơn bây giờ. Chi phi cho dịch vụ này là 1.250 USD.

Các chuyến bay tới Minsk có tần suất lớn hơn kể từ đầu năm nay. Ví dụ, Belavia có 28 chuyến bay từ Istanbul tới Minsk trong tháng 2/2021 và 31 chuyến trong tháng 3. Đến tháng 7, số chuyến bay tăng gấp hơn 2 lần lên 65, theo Flightradar24.

Tần suất chuyến bay của Thổ Nhĩ Kỳ Airlines trên cùng lộ trình cũng tăng, từ 32 chuyến trong tháng 3 lên 64 trong tháng 7.

EU đã tìm cách ngăn chặn những chuyến bay như vậy. Trước sức ép từ Brussels, Baghdad đã đình chỉ các chuyến bay từ Iraq tới Minsk mùa thu năm nay.

Ngày 12/11, Belavia Airlines và Thổ Nhĩ Kỳ Airlines xác nhận đã không còn vận chuyển hành khách từ Yemen, Iraq, Syria tới Minsk, ngoại trừ các nhà ngoại giao.

Ngày 13/11, Cham Wings Airlines, hãng hàng không tư nhân của Syria cũng đã đình chỉ các chuyến bay tới Minsk.

Dừng các chuyến bay không thể giải quyết tận gốc vấn đề

Sau khi những người di cư tới Minsk, hầu hết đều nhanh chóng tới biên giới. Người dân Belarus ở biên giới nói rằng họ đã thấy rất nhiều người dường như tới từ Trung Đông chờ đợi trong các khu mua sắm, ngủ trên ghế băng và mua nhu yếu phẩm cho chuyến đi tiếp theo của họ.

Umm Malak, một phụ nữ Iraq 26 tuổi nói với Reuters rằng cô và gia đình đã phải chạy qua chạy lại giữa Ba Lan và Belarus 6 lần trước khi cô được đưa tới một trung tâm di trú ở thành phố Bialystok của Ba Lan. Trước đó Malak cùng chồng và 3 đứa con gái nhỏ đã phải lội qua các con kênh sâu đến ngực và lẩn trốn trong các khu rừng lạnh giá.

Umm Malak có thể xem như bản thân cô đã gặp may. Bởi rất nhiều người di cư đã không tới được EU và bị buộc phải trở lại Minsk hoặc về quê nhà. Ít nhất 8 người di cư đã chết khi tìm cách vượt biên. Những lo ngại về an toàn và các vấn đề khác gia tăng khi mùa đông khắc nghiệt đang tới.

Bất chấp việc dừng các chuyến bay từ Trung Đông tới Minsk, ông Fabrice Leggeri, Giám đốc cơ quan biên giới EU (Frontex) cảnh báo rằng EU cần phải chuẩn bị cho khả năng sẽ có thêm nhiều người di cư tìm cách nhập cư trái phép vào các nước trong khối.

Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết có hơn 17.000 nỗ lực vượt biên bất hợp pháp trong tháng 10, tăng gấp hơn 2 lần trong tháng 9 và hàng nghìn người di cư vẫn đang cắm trại gần biên giới Belarus với Ba Lan./.

EU mở rộng trừng phạt Belarus vì khủng hoảng di cư ở biên giới

VOV.VN - Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (15/11) đã nhóm họp tại Bruxelles (Bỉ), cáo buộc Belarus đứng sau gây ra khủng hoảng người di cư tại biên giới giữa nước này với các thành viên của EU là Ba Lan, Litva và Latvia; đồng thời thống nhất áp đặt gói trừng phạt đối với Belarus.