Theo Fox News, Washington dự định giảm tốc độ chuyển giao vũ khí hiện đại cho Ukraine, trong đó có hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống tăng Javenlin, hệ thống phòng không Stinger và pháo tự hành M-777. Một số nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cũng cho biết, nguy cơ leo thang xung đột với Nga đang buộc chính phủ Mỹ phải cắt giảm hoạt động chuyển giao vũ khí, mặc dù vẫn còn khả năng cung cấp cho Ukraine các gói viện trợ quân sự mới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần này cũng gửi đi tín hiệu rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp yêu cầu của Ukraine về loại vũ khí tiên tiến mà nước này cần để chống lại cuộc tấn công của Nga. Điều đó phản ánh nguồn cung cấp cho Ukraine đang cạn kiệt và Nhà Trắng lo ngại leo thang có thể dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Nga.
Nguy cơ sụt giảm kho dự trữ vũ khí tiên tiến của Mỹ đã được cảnh báo kể từ khi nước này bắt đầu hỗ trợ quân sự cho Ukraine khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Hiện giờ, gần 8 tháng kể từ khi giao tranh diễn ra, các chuyên gia cho rằng Mỹ đang gần hết khả năng cung cấp.
Số tiền Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ năm 2014 đến nay đã lên tới 20,3 tỷ USD, trong đó tính riêng từ giai đoạn 2021-2022 là 18,2 tỷ USD. Trong khi đó, căng thẳng dường như đang gia tăng giữa Mỹ và châu Âu khi Washington liên tục hối thúc EU tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Ukraine, Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết. Theo tờ báo này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tại Washington vào tuần trước và yêu cầu họ đẩy nhanh viện trợ tài chính cho Ukraine.
Trong khi Mỹ cho rằng EU đang trì hoãn viện trợ kinh tế cho Ukraine thì Brussels dường như không đồng ý với ý kiến châu Âu đang chậm chạp hoặc không đủ khả năng cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Nuyts Veerle cho hay, khoản viện trợ mà EU dành cho quốc gia này đã lên tới gần 18,5 tỷ USD./.