Đại diện thường trực của Nga tại Geneva Gennady Gatilov nhấn mạnh rằng, nước này không chống lại việc cung cấp ngũ cốc nhưng thỏa thuận này phải bình đẳng, nó phải được tất cả các bên thực hiện một cách công bằng.

Nếu Nga thấy rằng, việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được thực hiện như trong thỏa thuận, thì họ sẽ phải nhìn nhận nó theo cách khác. Ông Gatilov không loại trừ khả năng Nga có thể từ chối ủng hộ việc nối lại thỏa thuận.

Tổng thống Nga Putin trước đó đã gọi quyết định của Liên minh châu Âu về việc dỡ bỏ các hạn chế cung cấp ngũ cốc và phân bón của Nga chỉ cho các nước châu Âu là méo mó. Ông lưu ý, Nga sẽ bán ngũ cốc của mình bất chấp những hạn chế, nhưng muốn nó đến được các nước nghèo nhất.

Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Dmitry Chumakov dẫn số liệu từ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, chỉ có 25-26% nguồn cung cấp lương thực từ Ukraine trong khuôn khổ thỏa thuận tại Istanbul đến được các nước nghèo nhất. Đồng thời, 148 trên 285 chuyến chở hàng hóa, chiếm 52%, được đưa tới các quốc gia thành viên EU.

Vào tháng 7, đại diện của Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã ký kết thỏa ngũ cốc tại Istanbul, qua đó tạo thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng này của Ukraine từ các cảng Biển Đen và dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Tuy nhiên, như Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh, thỏa thuận này vẫn chưa có hiệu lực đối với xuất khẩu của Nga. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng 11./.