"NATO đã tự tuyên bố mình là một liên minh hạt nhân. Có những vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của các nước không sở hữu hạt nhân trong NATO", ông Igor Vishnevetsky, Phó Giám đốc phụ trách cơ quan kiểm soát vũ khí và giải trừ hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Ông Vishnevetsky nhận định, việc này đã vi phạm Điều I và II của NPT khi các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân trong NATO tham gia "thử nghiệm thực tế" các vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng, những hành động như vậy "không chỉ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh châu Âu và quốc tế mà còn tăng nguy cơ xung đột hạt nhân và là trở ngại với những nỗ lực giải trừ hạt nhân".
Lập trưởng của Moscow là "các vũ khí hạt nhân của Mỹ phải rút khỏi lãnh thổ của các gia trên, đồng thời các cơ sở hạ tầng để triển khai những vũ khí này ở châu Âu phải bị loại bỏ và những nhiệm vụ hạt nhân phối hợp của NATO cũng phải dừng lại", ông Vishnevetsky nhận định tại hội nghị của Liên Hợp Quốc.
Ước tính, hiện nay Không quân Mỹ có 150 quả bom hạt nhân tại các căn cứ của NATO ở Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.
Việc yêu cầu Mỹ rút vũ khí nguyên tử khỏi các nước NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân là một trong những điểm chính trong đề xuất an ninh của Nga, tài liệu từng được chuyển cho Mỹ và NATO vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, cả Washington và NATO đều không đáp ứng đề xuất này trong phản hồi gửi cho Moscow vào tháng 1/2022.
Cũng trong hội nghị của Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Nga có những đe dọa hạt nhân bất cẩn và nguy hiểm nhằm vào "những bên ủng hộ Ukraine tự vệ". Nhà ngoại giao Nga Andrey Belousov phản hồi lại rằng, Moscow đã đặt lực lượng hạt nhân trong cảnh báo để ngăn chặn sự gây hấn của NATO và ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Ông Andrey Belousov cũng nói về những tuyên bố của Mỹ liên quan đến việc nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược, cho biết đến nay, Nga chỉ nhận được "những thông báo mang tính tuyên bố" chứ không có "những đề xuất cụ thể” từ phía Washington./.